Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

THẦY GIÁO _MC




Mùa Xuân- mùa cưới, và MC  lại có dịp “chạy sô” vất vả..

Thầy tôi làm “nghề” giáo nhưng lại “nghiệp” MC-  một nghề đang khá thịnh hành trong đời sống xã hội hôm nay. Cũng bởi thầy ngoài phong cách sư phạm, còn có khả năng ăn nói, một chút máu vẫn nghệ - hát hò, một chút dạn dĩ “liều lĩnh” nên thầy đã làm MC cấp tỉnh, cấp thành, cấp huyện, cấp xã.. thậm chí là cấp làng suốt 36 năm nay. Thầy đã làm MC ở khách sạn, Nhà hàng, tư gia.. trong các lễ cưới hỏi, sinh nhật, hội hè, đình đám, tiệc tùng.v.v.. Bất kỳ một chương trinh sinh hoạt lớn nhỏ gì cần có MC là có thể thuê, nhờ, mượn thầy tôi. Và cứ như vậy,  suốt cả đời đi dạy, thầy suy nghĩ, soạn lời dẫn chương trình còn nhiều hơn… soạn giáo án !

  Thật ra ban đầu thầy tôi chỉ là người “Quản trò” (dẫn dắt các chương trình trò chơi tập thể, văn nghệ lửa Trại v.v..). Nhưng rồi có nhiều người khen rằng thầy ăn nói có duyên, lưu loát, dí dỏm, có chút hài hước, có khi “vụng chèo mà khéo chống”, nhất là thầy có chất giọng trầm ấm rất...ăn Micro, khá gợi cảm .v.v  nên thầy tin thế, cứ tin thế và từng bước hành nghề MC  nghiệp dư.

  Thầy kể, lần đầu tiên gồng mình làm MC là tháng 12 năm 1975, giúp cho người bạn là cán bộ UB Xã Hương Sơ, TP.Huế. Đám cưới mựơn hội trường chùa tổ chức, có chừng 150 người dự là Cán bộ UB Xã gia đình và bà con thân hữu. Mặc dù tiệc cưới chỉ có bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí.. nhưng không khí thật tưng bừng nhộn nhịp. Trên nền fond màn đỏ sân khấu có 2 hàng chữ khá trang trọng:


  

HẠNH PHÚC NON SÔNG HẠNH PHÚC NHÀ

THẮM TÌNH NON NƯƠC

THẮM TÌNH TA       

Ở dưới có một câu “xanh rờn”, nhắc nhở đôi trẻ:

VUI DUYÊN MỚI KHÔNG QUÊN NHIỆM VỤ

   Sau phần nghi thức Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu tham dự ( y như các buổi Lễ, Hội nghị ) là giới thiệu cô dâu chú rể và đôi bên cha mẹ. Tiếp đến là vài lời phát biểu của đại diện gia đình, đại diện cơ quan. Trong lời phát biểu của gia đình, không thể thiếu câu rất chi là bài bản: “ Được sự nhất trí của hai cơ quan, sự cho phép của chính quyền địa phương, 2 gia đình chúng tôi tổ chức đám cưới nầy…”.

   Đám cưới thời bao cấp làm gì có rượu bia, hết sức “chay tịnh” nhưng phần văn nghệ thì lại rất rôm rả. Đại diện các cơ quan ban ngành đoàn thể gia đình hai họ đều có tiết mục hát hò vui vẻ. Toàn là hát nhạc “đỏ” (Nhạc “ vàng” còn bi cấm): “ Trường sơn Đông, Trường sơn Tây”, “ Chiếc gậy Trường sơn”, “ Năm anh em trên một chiếc xe tăng”.v.v... Ngoài những tiết mục đơn ca, Hội phụ nữ xã còn có những tốp ca hò hụi, hò khoan, vè, cải lương… tóa lọa lọa. Rất nhộn, rất vui nhưng tuyệt nhiên không có tiếng “1,2,3 zô zô ” ầm ĩ như bây giờ.

     Từ đó đến nay, dạy học ở Pleiku 15 năm, ở Huế 22 năm, thầy nhẩm tính đã có hơn 500 lần đám cưới thầy giúp làm MC cho thầy cô giáo đồng nghiệp, cho con cháu thầy cô, học trò, bà con láng giềng và “khách hàng”, trong đó, thầy được nhận phong bì đếm quá trên đốt ngón hai bàn tay ! Thầy cười đùa vui: “ Thay vì nhận phong bì, mình lại nhận được tình cảm, “lễ vật” hằng năm vào các dịp Tết, 20.11…Nếu cộng lại còn hơn cả phong bì”.

-  Thưa thầy, ngần ấy năm làm MC, có bao giờ thầy bị trục trặc hoặc “ tai nạn nghề nghiệp” không ạ?.

-  Có chứ. Ngựa chạy bốn chân còn bị vấp huống gì người nói năng. Có vài lần bị “khớp”, mất bình tĩnh, thiếu tự tin vì khách đông, nhiều khách “tai to mặt lớn” nên nói năng không chuẩn, không mạch lạc, không hấp dẫn…chẳng hạn giới thiệu sai họ, tên; nhầm tên cô dâu với tên mẹ chồng, tên chú rễ với cha vợ v.v.. Những lần như thế thì mình chỉ xứng đáng là “Xi em” mà thôi. Cũng có lần một gia đình yêu cầu phải giới thiệu đủ chức danh một số vị khách quí, mình không đồng ý và từ chối làm MC đám cưới đó luôn. ( ăn cưới chứ có phải đi dự hội nghị đâu!).

     - Thầy tâm đắc nhất là gì khi được mời làm MC ạ?

-  Rất nhiều. Đa số đám cưới đều có ít nhiều quen biết, thân thiện nên cách giới thiệu nhẹ nhàng, thân mật, chân tình. Mọi người đều tôn trọng mình là “thầy giáo làm MC”, nói năng cẩn trọng, tế nhị, lịch sự, có chút văn hoa mà không “hoa lá cành”, công thức, sáo rỗng…kiểu “ xin gởi lời chào trân trọng nhất, quan viên hai họ, đôi uyên ương bay giữa bầu trời tình yêu, đi tìm một nửa của nhau v.v..”. Điều vui nhất khi làm MC là mang lại sự vừa ý, hài lòng cho mọi người, và “mệt nhất” là sau đó có người đến “đặt hàng” nhờ làm cho đám cưới của con, cháu họ một , hai năm sau.!

  - Thầy tóc đã muối tiêu, vậy trước khi “gác kiếm”, thầy đã truyền nghề, giao “y bát” lại cho ai chưa ạ?

  - Rồi, đã chọn được một số rồi. Ở trường Nguyễn Huệ có thầy Võ Đăng Phát, trường Nguyễn Chí Thanh có thầy Trần Hữu Cửu, trường Đặng Huy Trứ có thầy Trần Hưng Ba, ở làng An Hòa có thầy Nguyễn Văn Mỹ v.v.. Trong số đó, có người gần như MC chuyên nghiệp, gặp mùa cưới, họ thu nhập rủng rỉnh gấp 3 lần lương tháng!

Vậy đó, thầy tôi, người thầy giáo-MC như thế đó. Bao nhiêu năm trong nghề dạy học là bấy nhiêu năm “tác nghiệp” MC. Khi thầy dạy hoặc dẫn chương trình lễ hội ở trường là mang niềm vui cho học trò, đồng nghiệp. Khi làm MC cho đám cưới là gieo niềm vui cho gia đình, bà con, xóm giềng, thân hữu.. Thầy luôn tâm đắc điều này: “ Mình làm MC chứ đừng làm… Xi Em”. 

   

     Huế, mùa cưới Xuân Nhâm Thìn- 2012

  Nguyễn Viết An Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét