Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

CÁCH TẢI BÀI MỚI, CHÈN ẢNH, CHÈN NHẠC Ở BLOGSPOT

             Có 2 cách để tải bài lên Blogspot như sau :

CÁCH THỨ NHẤT : Chuyển từ YuMe sang blogspot, nếu bạn đã là thành viên YuMe.

_  Mở cả hai bog YuMe và Blogspot cùng lúc để việc thực hiện thao tác chuyển bài được dễ dàng.
_  Bôi đen bài viết ( kể cả ảnh, nhạc kèm theo).
_  Nhấp trái vào cụm từ " Bài đăng Mới " nằm bên trái hai  từ Thiết kế và Đăng xuất ( góc phải phía trên màng hình), khung trống để viết bài hiện ra. Nhấp phải vào khung trống đó, một cửa sổ khác hiện ra, nhấp tiếp vào từ " Dán ", ngay lập tức bài viết sẽ hiện ra.
_  Nhập tựa bài viết vào ô trống nằm giữa hai từ " Bài đăng " và " Xuất bản ".
_  Chỉnh sửa mẫu chữ ( nhấp vào chữ f ), chỉnh sửa cỡ chữ lớn nhỏ ( nhấp vào từ TT), chỉnh sửa màu chữ ( nhấp vào chữ A ).
_  Nhấp vào từ " Xuất bản " để tải bài lên. Khung cửa sổ CHIA SẺ TRÊN GOOGLE+ hiện ra. Hãy nhấp vào từ " Chia sẻ " để bạn bè trong vòng kết nối của bạn biết được việc bạn vừa đăng bài mới để vào xem.
_  Nhấp trái vào từ " Xem blog " là xong.

GHI CHÚ : 
1/. Bạn cũng tải được bài viết từ các File có sẵn lưu trong máy tính của mình bằng cách này. Nhưng sẽ không chèn được nhạc kèm theo như tải từ YuMe qua Blogspot.
2/. Nhớ xóa đi những phần thừa khi tải từ YuMe qua ngoài bài viết, hình ảnh, video, bình luận ( nếu như bạn muốn lưu lại những bình luận của bạn bè bên YuMe )

CÁCH THỨ HAI : Viết bài trực tiếp trên Blogspot.

_  Nhấp trái vào cụm từ " Bài đăng Mới " rồi viết.
_  Chỉnh sửa lại mẫu chữ, cỡ chữ, màu chữ, nhập tựa bài viết.
_    Nhấp vào từ " Xuất bản " để tải bài lên. Khung cửa sổ CHIA SẺ TRÊN GOOGLE+ hiện ra. Hãy nhấp vào từ " Chia sẻ " để bạn bè trong vòng kết nối của bạn biết được việc bạn vừa đăng bài mới để vào xem.
_  Nhấp trái vào từ " Xem blog " là xong.


GHI CHÚ :
1/.  Ở cách viết bài  trực tiếp này, bạn có thể chèn ảnh vào bài viết trước khi xuất bản như sau: Nhấp trái vào ô chữ nhật " Chèn hình ảnh " nằm sau từ " Liên kết ". Khung cửa sổ mới hiện ra, nhấp trái vào từ " Chọn tệp ", My Pictures hiện ra, nhấp trái vào hình ảnh muốn chèn vào bài viết, nhấp tiếp từ Open. Chờ hình ảnh hiện ra, nhấp vào cụm từ " Thêm hình ảnh đã chọn ". Sau cùng, nhấp phải vào hình để chỉnh lớn, nhỏ và vị trí thích hợp cho hình ảnh mới chèn vào.
2/.  Cách chèn nhạc vào blogspot trực tiếp: Nhấp trái vào biểu tượng " Chèn video " nằm ngay sau biểu tượng " Chèn hình ảnh ". Nhấp vào cụm từ " Từ Youtube ", dán vào ô chữ nhật  đường link nhạc đã chọn ( ví dụ : http://youtu.be/bI-u27UGt7c " Ngôi nhà màu tím). Nhấp vào vòng tròn có cán để tải lên. Khi Video Clip ca khúc hiện ra, nhấp vào đó. Cuối cùng nhấp vào từ " Chọn " là xong.

                             


                                 




                                          
            

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

CÓ THỂ NÀO QUÊN



           
          “ Có thể nào quên…”là chủ đề mà các em học sinh cũ của chúng tôi ở phố núi Pleiku thực hiện trong cuộc gặp gỡ mùa hè năm 2010 tại thành phố sương mù Pleiku sau gần 30 năm thầy trò xa cách.
            Những năm sau 1975, từng đợt sinh viên trường Đại học Sư phạm Huế lần lượt vào công tác tỉnh Gia Lai-Kon tum. Chừng 70% thầy cô giáo ở đây là từ Huế lên. Cả thành phố Pleiku chỉ có một trường cấp 3 ( đến năm 1981 mới có trường thứ 2) nằm ngay trung tâm, và một trường Cao đẳng sư phạm. Tất cả anh chị em thầy cô chúng tôi đang còn độc thân nên cùng ở khu tập thể ngay trong trường, cạnh bên cây mít vĩ đại- một năm sản xuất chừng 500 trái nuôi sống chúng tôi hơn 10 năm, đựơc khu tập thể phong danh hiệu chiến sĩ thi đua, anh hùng cứu đói!. Các em HS thương các thầy cô “thời tem phiếu” một tháng tiêu chuẩn 13kg lương thực mà có khi 50% độn ngô khoai sắn. (Thầy Vưu, thầy Phùng phải tập thể dục trên giường vì thiếu cái ăn, sợ ra gió bị… xỉu, cô Mai, cô Hòa chế biến 19 món mít…). cho nên sau giờ học, nhất là ngày chủ nhật hoặc lễ lạt, các em đến mời quý thầy cô về nhà mình thăm chơi hay về ăn kỵ, chạp v.v.. cho thêm no bụng ( nói tội trời, sau đó thầy cô giáo nào cũng nhớ ngày kỵ nhà HS hơn nhà mình…). Mối quan hệ thầy - trò thuở ấy trong học tập, sinh hoat., lao động, đời sống v.v.. thật gắn bó thân thương. Chúng tôi xem các em học sinh và các bậc phụ huynh như người thân trong nhà nên rất nặng tình nặng nghĩa. Thầy trò hơn nhau 5,7 tuổi nên không ít thầy giáo sau này đã “lọt vào mắt xanh, vòng tay học trò”, trở thành “con rể” của gia đình, và đã chọn Pleiku làm quê hương thứ hai… Còn chúng tôi, sau 10,15 năm công tác, đã “quy cố hương” gần 50 thầy cô. Và mỗi tháng một lần, nhóm “cựu GV Gia Lai-Kon Tum” tại Huế gặp nhau để “ôn cố tri tân”, nhắc lại kỷ niệm xưa, một thời “thầy giáo – tháo giày”, “nhà trường - nhường trà”, một thời“có thể nào quên”…
              Lên chủ đề như thế chắc các em HS cũ cũng đã thao thức trăn trở nhiều… Thế hệ các em thuộc niên khóa 1979-1982, bây giờ có em đã lên chức ông nội, bà ngoại. Có nhiều em học hành đỗ đạt thành tài, có một số em là quan chức nhà nước cỡ Chủ tịch, Bí thư thành phố Pleiku. Rất nhiều em là doanh nghiệp nổi tiếng, mà đặc biệt là em Đoàn Nguyên Đức ( gọi thân thương là bầu Đức), Chủ tịch.HĐQT tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai ít ai không biết.
            Các em lên kế hoạch chuẩn bị chương trình gặp gỡ này đã mấy tháng trước rất chu đáo. Cả khối lớp có gần 300 em khắp các miền đất nước nhận được giấy mời ( nhưng do bận việc nên cuối cùng chỉ có chừng 200 em về dự). Khách mời là quý thầy cô giáo đã từng dạy các em ở nhiều tỉnh về, trong đó Huế có 8/10 thầy cô chúng tôi. Phương tiện đi về là máy bay các em đặt vé trước cho thầy cô.
            Thật cảm động khi các em đón tiếp chúng tôi tại sân bay Pleiku lúc 8g30 tối mồng 10 tháng 7 năm 2010. Những vòng hoa tươi thắm quàng vào cổ thầy cô với những tiếng nói cười chào hỏi thân thương thật xúc động. “ Thầy ơi, đã 28 năm em mới đựợc gặp lại thầy.. Thầy ơi, thầy ốm hơn xưa… Thầy ơi, gia đình thầy khỏe chứ…”. Trong khi thầy Vưu, thầy Đông cười hớn hở thì thầy Lục (mới về hưu), cô Hòa, cô Mai không giấu được nước mắt. Sau “khúc dạo đầu” khá cảm động, chân tình, các em mời chúng tôi lên xe về khách sạn HA-GL 12 tầng của bầu Đức nghỉ ngơi, ngủ ngáy hết sức thoải mái…
          Buổi sáng hôm sau, đứng trên tầng cao của khách sạn, thầy Đông khoan khoái hít thở không khí trong lành và nhâm nhi bài hát Chút gì để nhớ để thương: “.. Em Pleiku, má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều, quanh năm mùa đông, nên tóc em mướt, nên má em ướt…”, không ai bảo ai, chúng tôi cùng hòa giọng rất sảng khoái đê mê.. Thành phố Pleiku đã thay da đổi thịt nhiều. Không còn “đi 5 phút” mà chắc phải 5giờ mới “trở về chỗ cũ”. Đang ôn lại những chuyện xưa, những con đường xưa, mơ màng tìm lại dấu chân xưa thì học trò lên mời quý thầy cô vào hội trường dự buổi họp mặt chính thức.
           Lại cảm động nối tiếp cảm động… Biết bao gương mặt học trò cũ bây giờ không thể nhớ rõ, thấy quen quen mà nghĩ mãi không ra tên…(Trí nhớ đã phản bội thầy. Tuổi tác đã phụ lòng thầy em ơi. Hay tha lỗi cho thầy.) Còn các em thì như sống lại tuổi 17,18 ngày xưa, cầm tay thầy lắc lắc:“ Thầy ơi, em là Mỹ Dung mà thầy đã cho 10 con zêrô đây, hề hề…”, “ Thầy ơi, em là Cơ, thầy gọi là Xì Cơ vì khi nào đi lao động thầy cũng bảo em mang bộ bài đi theo”, “ Thầy ơi, em thành thật xin lỗi thầy sau 3o năm. Ngày ấy vì thầy khắt khe quá, đuổi học em một tuần vì em hay bỏ học, rủ rê bạn đi uống cà phê, và chúng em suýt chận đánh thầy ở dốc Trà Bá..” Ôi, bao kỷ niệm chìm sâu trong ký ức giờ xôn xao trở về trong giây phút nầy.
            Trong lời khai mạc, em Đặng thị Mỹ Dung, trưởng ban tổ chức, cảm xúc rưng rưng khi nói lên ước mơ của các em đã thành hiện thực hôm nay: Đựợc gặp lại quý thầy cô sau ngần ấy năm, được tìm lại những “mong ước kỷ niệm xưa”, “ được sống lại tuổi học trò, làm lại học trò nũng nịu hay ngỗ nghịch với thầy cô như xưa…Đã ngót nghét 50 tuổi rồi nhưng chúng em vẫn còn bé bỏng trước thầy cô…Em Đoàn Nguyên Đức “tiếng tăm lẫy lừng” cũng khá xúc động khi nhớ về thầy cô trường lớp, bạn bè…Em cho rằng có được sự nghiệp như hôm nay một phần là nhờ học tập  kiến thức kỹ năng cơ bản mà  quý thầy cô truyền dạy ở trường cấp 3 Pleiku. Tiếng tăm tập đoàn HA-GL bao nhiêu em càng tự hào điều đó bấy nhiêu.. Tôi cũng xúc động thật sự khi được thay mặt quý thầy cô ở Huế phát biểu đôi lời: “… Tôi trở về đứng trước sân trường. Tìm lại một thời dĩ vãng. Năm tháng qua đi, học trò, bè bạn. Dẫu xa rồi, tất cả vẫn trinh nguyên…” Trong phần tiệc và văn nghệ, thầy trò chúng tôi chan hòa hát hò, nhảy múa. Thầy Đông ( trường Hương Thủy) đã ngâm bài thơ “Vườn xưa” nức nở, não nuột. Thầy Vưu ( trường Quốc Học) đã ca trù bài “Hồng hồng tuyết tuyết” dí dỏm tài hoa. Còn tôi thì ngậm ngùi với bài “ Lên núi, Xuống núi”.  
             Năm ngày họp mặt, tâm tình, vui chơi với các em học trò cũ và thăm viếng gia đình phụ huynh các em thật nhiều thú vị. Ngày nào các em cũng đưa đón thầy cô đi thăm chơi nhiều nơi như lên Kon Tum, đến Học viện bóng đá HA-Asenal, về trường cấp 3 Pleiku  thăm lại cây mít “ anh hùng cứu đói” năm xưa… Tiếc thay nó đã “qua đời” cách đây mấy năm. Tám anh em chúng tôi vô cùng xót đau, thầy Lục, thầy Cường, cô Hòa, Mai… lại rơi lệ.
          Sáng chia tay với các em thật thắm thiết luyến lưu và đặc biệt ấn tượng. Các em trong Ban tổ chức đưa chúng tôi ra sân bay. Sau khi tặng hoa và nói lời cám ơn các em, chúng tôi đã lên chiếc máy bay chuyên cơ H.344 của em Đoàn Nguyên Đức có nhã ý  mời. Chiếc máy bay 7 triệu USD nho nhỏ xinh xinh (vừa vặn 8 người chúng tôi và phi hành đoàn 2 người) do Anh hùng không quân Nguyễn Thành Trung đưa chúng tôi về tận sân bay Phú Bài chỉ 45 phút bay. Bay nhanh và êm đến độ chúng tôi không kịp mở bì thư em Đức tặng.
          Một tuần sau, chúng tôi lại nhận được 8 đĩa DVD mà các em đã quay từ khi đón tiếp cho đến khi chiếc H.344 bay liệng trên bầu trời thành phố Pleiku với dòng chữ: “ MÃI MÃI CHÚNG EM VẪN LÀ HỌC SINH BÉ BỎNG CỦA THẦY CÔ…CÓ THỂ NÀO QUÊN”   
                                                                        Huế, tháng 11.2010, sắp đến ngày Nhà giáo    
                                                                                        Nguyễn Viết Ksor An Hòa      
   
                  
                                                                                               

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

MẸ TÔI



                            Ảnh Mẹ  mặc áo lụa đỏ  _ Ảnh chụp vào Mùng Một Tết Quý Tỵ 2013
     ( Mẹ thọ 100 tuổi, vẫn còn rất tươi, rất minh mẩn và còn làm thủ quỹ Chạp họ trong gia tộc được)


Ảnh Mẹ chụp với chắt bốn đời vào Mùng Một Tết Quý Tỵ 2013

                            Mẹ chụp ảnh với cháu chắt bốn đời vào Mồng Một Tết Quý Tỵ 2013


                                  Mẹ chụp ảnh với cháu nội gái duy nhất vào Tết Quý Tỵ 2013


MẸ  TÔI
 ( Kính dâng Mẹ vừa tròn 100 tuổi)

Tuổi đời, mẹ đã một trăm,
Trăm năm là bấy kiếp tằm nhả tơ
Lấy chồng mười tám ngây thơ,
Hai vai trĩu nặng mệt phờ, gieo neo
Thức từ gà gáy óc eo
Tìm phương sinh sống nhà nghèo khổ thay!
Hàng rong khắp xóm mỗi ngày
Mười lăm cây số hai vai héo gầy
Mặt trời đã ngả về tây
Trên đồng mẹ vẫn luôn tay cấy trồng
Đàn con chín đứa thật đông
Mẹ yêu, mẹ quý, mẹ trông từng ngày
Mẹ tin rồi một ngày mai,
Bầy con khôn lớn tung bay hải hà
Bao nhiêu năm con vắng nhà
Hình dung Mẹ vẫn như là ngày xưa
Cái ngày tóc mẹ còn tơ,
Và xanh mươn mướt dưới bờ tre xanh.
Mỗi lần về, mỗi giật mình,
Mẹ ơi, tóc mẹ đã thành tóc bông.
Phải vì ngọn gió mùa đông,
Hay vì lắm nhớ nhiều mong tóc già.
Mỗi con mỗi góc trời xa,
Trái tim mẹ cũng chia ra mấy phần
Giọt sương rụng xuống đầu cành,
Mẹ ơi tóc mẹ đã thành tóc tiên..
                    Mùa xuân Quý Tỵ - 2013
                   Tâm Toại Nguyễn Viết Kế


                    

BÀN TAY MẸ


          Một thanh niên học hành xuất sắc nộp đơn vào chức vụ quản trị viên cho một công ty lớn. Anh ta vừa xong buổi phỏng vấn đầu tiên, ông giám đốc phỏng vấn lần cuối để quyết định nhận hay không nhận anh ta.

          Viên giám đốc khám phá học bạ của chàng thanh niên, tất cả đều tốt và năm nào, từ bậc trung học đến các chương trình nghiên cứu sau đại học, cũng đều xuất sắc, không năm nào mà anh chàng thanh niên không hoàn thành vượt bực. 

        Viên giám đốc hỏi “Anh đã được học bổng nào của trường?” Chàng thanh niên đáp “Thưa không”.

       Viên giám đốc hỏi “Thế cha anh trả học phí cho anh đi học?” Chàng thanh niên đáp “Cha tôi chết khi tôi vừa mới một tuổi đầu. Mẹ tôi mới là người lo trả học phí”
          Chàng thanh niên đáp “Mẹ tôi làm việc giặt áo quần”. Viên giám đốc bảo chàng thanh niên đưa đôi bàn tay cho ông ta xem. Chàng thanh niên đưa hai bàn tay mịn màng và hoàn hảo của chàng cho ông giám đốc xem.
          Viên giám đốc hỏi “Vậy trước nay anh có bao giờ giúp mẹ giặt giũ áo quần không?”
        “Chưa bao giờ, mẹ luôn bảo tôi lo học và đọc thêm nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi giặt áo quần nhanh hơn tôi.” Chàng thanh niên đáp.
        Viên giám đốc dặn chàng thanh niên “Tôi yêu cầu anh một việc. Hôm nay khi trở lại nhà, lau sạch đôi bàn tay của mẹ anh, và rồi ngày mai đến gặp tôi. ”
          Chàng thanh niên cảm thấy khả năng được công việc tốt này rất là cao.


             

             Khi vừa về đến nhà, chàng ta sung sướng thưa với mẹ để được lau sạch đôi bàn tay của bà. Mẹ chàng cảm thấy có gì đó khác lạ, sung sướng, nhưng với một cảm giác vừa vui mà cũng vừa buồn, bà đưa đôi bàn tay cho con trai xem.
              Chàng thanh niên từ từ lau sạch đôi bàn tay của em. Vừa lau, nước mắt chàng tuôn tràn. Đây là lần đầu tiên chàng thanh niên mới khám phá đôi tay mẹ mình, đôi bàn tay nhăn nheo và đầy những vết bầm đen. Những vết bầm làm đau nhức đến nỗi bà đã rùng mình khi được lau bằng nước. Lần đầu tiên trong đời, chàng thanh niên nhận thức ra rằng, chính từ đôi bàn tay giặt quần áo mỗi ngày này đã giúp trả học phí cho chàng.
           Những vết bầm trong tôi tay của mẹ là giá mẹ chàng phải trả cho ngày chàng tốt nghiệp, cho những xuất sắc trong học vấn và cho tương lai sẽ tới của chàng.
Sau khi lau sạch đôi tay của mẹ, chàng thanh niên lặng lẽ giặt hết phần áo quần còn lại của me.
               Tối đó, hai mẹ con tâm sự với nhau thật là lâu.


              http://files.myopera.com/trinhdoan/blog/man%20.jpg

              Sáng hôm sau, chàng thanh niên tới gặp ông giám đốc.
          Viên giám đốc lưu ý những giọt nước mắt chưa ráo hết trong đôi mắt của chàng thanh niên, và hỏi “Anh có thể cho tôi biết những gì anh đã làm và đã học được hôm qua ở nhà không?”
             Chàng thanh niên đáp “Tôi lau sạch đôi tay của mẹ, và cũng giặt hết phần áo quần còn lại.” Viên giám đốc hỏi “Cảm tưởng của anh ra sao?”
             Chàng thanh niên đáp, “Thứ nhất, bây giờ tôi hiểu thế là ý nghĩa của lòng biết ơn; không có mẹ, tôi không thể thành tựu được như hôm nay. Thứ hai, qua việc hợp tác với nhau, và qua việc giúp mẹ giặt quần áo, giờ tôi mới ý thức rằng thật khó khăn và gian khổ để hoàn tất công việc. Thứ ba, tôi biết ơn sự quan trọng và giá trị của quan hệ gia đình.”
              Viên giám đốc nói, “Đây là những gì tôi tìm kiếm nơi người sẽ là quản trị viên trong công ty chúng tôi. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn sự giúp đở của những người khác, một người cảm thông sự chịu đựng của những người khác để hoàn thành nhiệm vụ, và một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc là mục đích duy nhất của cuộc đời. Em được nhận.”


              

             Sau đó, chàng thanh niên làm việc hăng say, và nhận được sự kính trọng của các nhân viên dưới quyền. Tất cả nhân viên làm việc kiên trì và hợp tác như một đội. Thành tựu của công ty mỗi ngày được nhiều cải thiện.
               Một đứa bé, được che chở và có thói quen muốn gì đước nấy, có thể sẽ phát triển “tâm lý đặc quyền” và sẽ luôn nghĩ đến mình trước. Hắn sẽ thờ ơ về các nỗ lực của cha mẹ.
           Khi làm việc, hắn giả thiết rằng mọi người phải vâng lời hắn, và khi trở thành một quản trị viên hắn có thể sẽ không bao giờ biết sự chịu đựng của các nhân viên dưới quyền và luôn đổ thừa cho người khác.
             Đối với loại người này, có thể học giỏi, có thể thành công một thời gian ngắn nhưng thật sự sẽ không cảm nhận được ý nghĩa của thành tựu. Hắn sẽ cằn nhằn, lòng chất đầy oán ghét và đấu tranh để có được nhiều thứ cho mình. Nếu chúng ta thuộc loại cha mẹ chuyên bao che con cái như thế này, phải chăng chúng ta đang cho chúng thấy tình thương của cha mẹ hay thay vì đang tàn phá chúng?
            Bạn có thể cho con cái sống trong những căn nhà lớn, ăn thức ăn ngon, học dương cầm, xem TV màn ảnh rộng. Nhưng khi chúng ta cắt cỏ, xin vui lòng cho chúng làm việc đó. Sau bữa cơm, hãy để chúng rữa chén bát cùng với anh chị em chúng. Không phải vì các bạn không có tiền để mướn người làm trong nhà, nhưng bởi vì bạn nên thương con đúng cách. Bạn muốn chúng hiểu rằng, bất kể cha mẹ giàu có cỡ nào, một ngày tóc họ cũng sẽ bạc như mẹ của người bạn trẻ kia. Điều quan trọng nhất là con cái của bạn học để biết hơn sự khó khăn, học khả năng cùng làm việc với những người khác để hoàn thành công việc.
                                                               (Story of Apprecication , NguoiVietBoston dịch)

  

NGÀY VỀ THĂM HUẾ


             Mời quý vị về thăm Huế. Bài viết này tui nhặt được chơ không phải của tui.. hehe
Ngày Về Thăm Huế
Trần thị Lý
Mai mốt mi về thăm lại Huế,
Tau gởi quà cho lũ bạn bè.
Có ghé vô trường Đồng Khánh cũ,
Nhớ lượm giùm tau cánh phượng nghe!



Khi mô đi qua cầu Trường Tiền,
Dò coi mấy nhịp có còn nguyên,
Bên ni còn nối liền bên nớ,
Chi rứa! Mần răng vẹn ước nguyền?
Nếu ngược đường Bến Ngự , Nam Giao
Thăm chừng con dốc có còn cao,
Nghe hồi chuông tối còn vang vọng,
Ru điệu nam mô tự thuở nào.

Bến Ngự
Lúc xuôi thuyền qua thôn Vỹ Dạ ,
Hỏi mấy hàng cau còn đợi chờ!
Dâu biển thăng trầm đời nghiệt ngã,
E chừng chúng mãi đứng bơ vơ!
Thuận nẻo đường tới miền Nam Phổ ,
Ngang bến đò Chợ Cạn, Chợ Dinh
Coi cụ Ước (1) còn ngồi đúc bánh,
Thứ bánh bèo mê chết tụi mình.

Tìm Mụ Rớt (2) hỏi thăm gánh bún,
Cay ghê cơm hến thứ bên Cồn,
Cháo lòng Đồng Ý, cơm Âm Phủ
Ăn cả phần tau, nếu thấy ngon.
Khi dạo gót tới vùng An Cựu,
Nhìn dòng sông "nắng đục mưa trong ",
Ngoẹo-Giàn-Xay còn làm lối rẽ,
Lên Ngự Bình "sau méo trước tròn".

Tiện vui bước tuông vô Thành Nội,
Ngó thử còn mấy đấng Công Nương?
Hay vì chuyện sao dời vật đổi,
Cũng đổi dời luôn cảnh miếu đường.

Nhớ biển, dông về Cửa Thuận An,
Bến phà còn đón khách sang ngang?
Hàng cây dương liễu còn tha thướt,
Buông suối tóc mây giỡn mấy nàng?
Mà cũng đừng quên vùng Kim Long,
Hồi chuông Thiên Mụ có còn ngân?
Phú Cam, An Định... đi qua đó,
Đừng tiếc thương vay những bóng hồng.

Long Thọ, Nguyệt Biều tuy hơi xa
Nhưng tươi thơm mít, ngọt thanh trà
Chừng khi lên đó thì luôn thể ,
Coi thử Lò Vôi còn mặn mà.

Nói rứa mà chơi cho khuây nguôi,
Bọn mình chừ sống rất xa xôi,
Ngày về thăm Huế còn xa lắc,
Mơ sớm làm chi, chỉ ngậm ngùi!

Trần thị Lý
***
(1) Ông cụ chủ quán bánh bèo Chợ Cạn trước 1975 .
(2) Bà chủ gánh Bún bò một thời nổi tiếng nhất Huế
                 

CẢM NIỆM VÕ VĂN DŨNG



     
C Ả M    N I Ệ M
Cố thân hữu  Nguyên Mãnh -  VÕ VĂN DŨNG (XÊ)
( Bạn Võ Văn Dũng sinh năm Nhâm Thìn- 1952, mất 21.10.2012)
  Kính thưa tang quyến
  Kính thưa Hương linh cố PT Võ văn Dũng PD Nguyên Mãnh
 Trước bàn thờ Phật trang nghiêm thanh tịnh,
 Trước chân dung linh hiển của anh,
 Chúng tôi xin dâng nén hương tâm thành
 và cũng xin có vài lời cảm niệm.
  Hỡi ôi
  Anh Võ văn Dũng…
  Anh đã đi rồi
 Dù “ Trời đất từ đây xa cách mãi…”
  Nhưng trong trái tim chúng tôi
  Anh còn ở lại
  Tiếng hát, tiếng cười, giọng nói
  Tâm hồn, tình cảm, chan chứa nỗi niềm thương…
  Anh Dũng – Xê ơi,
  Nhớ từ thưở ngày xưa, tóc còn để chỏm
  Chúng mình cùng học, cùng chơi, cùng một lớp trường
  Cùng sinh hoạt GĐPT An Hòa, cùng một quê hương
  Cùng lớn lên cùng ngọt bùi chia sẻ
  Năm mươi năm trôi qua, cuộc đời dâu bể
  Bạn bè giờ, có đứa lên ông bà nội, ngoại thong dong
  Gặp gỡ nhau tay bắt mặt mừng
  Nâng ly, chúc sức khỏe, bình an, hạnh phúc.
  Có ai ngờ
  Một sang mùa thu, khi mọi người đang ngon giấc ( 2 giờ sáng )
  Thì ông lại vội vã ra đi… rời cõi Ta bà.
  Không một lời chia tay bè bạn gần xa
  Không một lời dặn dò vợ con, hiền mẫu…
  Trước đó mấy hôm ông còn cất cao tiếng hát
   “Ông lái đò”, “ Duyên kiếp” “ Thương hoài ngàn năm” “ Đôi ngả chia ly” (*)…
   Cái giọng khàn khan mà truyền cảm lạ kỳ
   Bởi tiếng hát là ruột gan sống vì tình bạn..
   Có ai ngờ, “ tử vô kỳ, sinh hữu hạn
   61 tuổi xuân, ông không vui nữa với anh em.
   Bao nước mắt vợ con, người mẹ dịu hiền
    Bao tiếc thương của những người thân yêu nhất.
   Võ Văn Dũng, bạn ơi
   Sáng hôm nay, thầy cô, bạn bè, anh chị em Gia đình Phật tử
   Đang đứng quanh đây, quanh bạn lần cuối cùng.
  Dẫu biết rằng “ sinh ký, tử quy” là luật chung
   Nhưng ai cũng xót xa, rưng rưng, thổn thức…
   Thôi thì thôi, bạn hãy lên đường về miền Cực lạc
   Những kỷ niệm đời, có gia đình, bè bạn giữ giùm cho.
   Chắp tay niệm Phật Di Đà
   Ung dung rời cõi Ta bà, vãng sanh...
                                      HuếCuối thu năm Nhâm Thìn ( 28.10.2012)
                                     Cựu Thầy cô và Học sinh trường tiểu học An Hòa
                                      Ban bảo trợ, BHT. Gia đình Phật tử An Hòa
                                                                  (Chắp bút: Nguyễn Viết Kế)
       (*) Những bài hát Dũng yêu thích thường hát cho bạn bè nghe. 

NGƯỜI THẦY GIÁO VIẾT VĂN TẾ







                (Viết về thân hữu - thầy giáo Nguyễn Phúc Vĩnh Ba)  


          Văn tế là một thể loại văn học cổ, “ một loại văn gắn với phong tục tang lễ chủ yếu nhằm bày tỏ sự thương tiếc của tác giả và người thân đối với người đã mất”( Tự điển thuật ngữ văn học-NXB GD). Trong lịch sử văn học VN có nhiều bài văn tế nổi tiếng như: “ Văn tế Trương Quỳnh Như” ( Phạm Thái), “ Văn tế thập loại chúng sinh”( Nguyễn Du), “ Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” ( Nguyễn Đình Chiểu), “ Văn tế Phan Chu Trinh” (Phan Bội châu) v.v.. Về mặt “ kỹ thuật”, viết được một bài văn tế không phải dễ dàng, vì đòi hỏi quá nhiều dụng công “ niêm, luật, vần, đối”. Cho nên ít ai dám “dấn thân” vào con đường sáng tác Văn tế.   
          Thế mà, ở những năm đầu thế kỷ 21 này, tại làng An Hòa, thành phố Huế, ẩn dưới lũy tre xanh vắng vẻ, thể Văn tế lại như được “tái sinh” từ một thầy giáo mới về hưu- Nguyễn Phúc Vĩnh Ba. Tuy chỉ “xớ rớ”, không ngồi được chiếu trên với các bậc tiền nhân tiếng tăm lừng lẫy, nhưng tài sáng tác văn tế của thầy VB cũng thật là điều đáng ngạc nhiên, khiến cho chúng ta kiêng nể.
            Đọc mấy câu mở đầu một bài Văn tế:
          “ Than ôi!
Tim óc bùi ngùi,
Ruột gan tê tái.
Hơn thế kỷ trôi qua trước mắt, anh linh thiên cổ còn đây,
Mấy bi thương chất kín trong lòng, hương hoả tứ thời ngát mãi…
      (Văn tế Âm hồn Thất thủ Kinh đô- 2002, NP.Vĩnh Ba ) hỏi ai không  ngậm ngùi  nhớ đến không khí thất thủ kinh đô hơn trăm năm về trước?
             Hoặc đọc đoạn:
          “ Nhớ tiên sinh xưa,
U oa khóc, tấm dư đồ đà ba mảnh bốn nơi,
Chập chững đi, đoàn dân tộc thì chín người mười tật.
Buổi li loạn can qua trùm sông núi, người chém giặc bắn tây, kẻ trừ gian giết đạo, mối hận thù ngun ngút mấy tầng mây,
Thời nhiễu nhương quan cách ép lương dân, đứa ăn gan hút máu, thằng bóp cổ đè đầu, nỗi bần khổ âm thầm bao tấm cật…
  (Văn tế Nam Phong chủ bút Phạm Thượng Chi tiên sinh – 2005, NP.Vinh Ba) kẻ thức giả nhớ tới Phạm Quỳnh tiên sinh với câu nói nổi tiếng: “…tiếng Việt còn thì nước ta còn”.
  Không những rất nhạy cảm với những đề tài “ hoài cổ” mà những đề tài mang tính thời sự nóng hổi cũng được Vĩnh Ba cảm nhận khá sâu sắc. Không những nắm vững kỹ thuật viết văn tế cổ mà thầy còn sử dụng một cách linh hoạt ngôn ngữ bình dân lẫn bác học. Âm điệu chung của các bài văn tế là bi thương, nhưng không bi lụy. Sắc thái biểu cảm đôi lúc có chút chính luận bi tráng, hay trào phúng nhẹ nhàng, hay pha chút châm biếm cay cay…
 Một điều đáng nói thêm là thầy giáo Nguyễn phúc Vĩnh Ba từng dạy môn Anh văn chứ không phải Ngữ văn! Đây có thể là điều khá bất ngờ với nhiều người.

* * *
            Năm 1971, tốt nghiệp ĐHSP và ĐH Văn khoa Sài gòn Ban Việt Hán, thầy NP Vĩnh Ba khá sành sỏi chữ Hán là chuyện bình thường. Cho nên dạy văn học cổ là “ nghề của chàng”. Học sinh trông thấy thầy “múa” chữ Hán trên bảng là lé mắt. Thầy đã viết nhiều bài báo về các nhà thơ cổ điển của Trung Quốc và nước ta như Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… qua các bài thơ chữ Hán trong và ngoài chương trình học (Từ ô dạ đề, Mao ốc vị thu phong sở phá ca, Tăng thử, Thu hứng…). Ngoài ra, còn viết các bài chuyên khảo như “ Phạm Quỳnh, nhà văn hóa”, “Xuân tha hương qua thơ chữ Hán của Nguyễn Du”, “ Thử tìm cách tiếp cận ‘Ngôn hoài’ của Không Lộ thiền sư”… khá có giá trị. Phải nói thầy không dạy văn nhưng quan tâm đến văn học cổ, văn học chữ Hán còn nhiều hơn một số giáo viên Ngữ Văn khác.
            Kể từ ngày ra trường, thầy đã dạy qua nhiều trường: từ Trung học cấp 2, 3 Phước Long ( trước 1975), Trung học cấp 2, 3 Hương Trà .. cho đến nay là trường THCS Hương Chữ, thầy Vĩnh Ba cũng dạy đủ các môn Ngữ Văn, Pháp Văn, Công Dân, Toán… và về sau phần lớn là môn Anh Văn với một bằng Đại học tại chức về Giáo Khoa Anh Văn.
             Thầy tâm sự với tôi khi được hỏi về khả năng viết nghiên cứu, văn tế, thơ chữ Hán, câu đối (toàn là thứ đồ cổ cả) như sau: “Tất cả cái gì mình làm được là nhờ tự học. Trường đại học chỉ dạy sinh viên kiến thức cơ bản và phương pháp chuyên ngành thôi. Tốt nghiệp xong mà không học nữa là hỏng tất, chẳng đủ thiếu gì hết. Mình yêu bản sắc của dân tộc mình nên cố gắng gìn giữ được chút nào hay chút nấy. Các thể văn cổ cũng như từ Hán Việt là một nét đẹp của văn học ta.”.Vì thế, thầy đã viết văn tế khá sung sức và thành thạo, được anh em  mến mộ với các bài như: “Văn tế nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ”, “ Văn tế thất thủ kinh đô”, “ Văn tế thác Liên Khàng, và thác Gougah, Đà Lạt” “Văn bia nhà lao Guyane”, “ Văn tế Khóc vợ” v.v..… Dịp Tết Kỷ Sửu vừa rồi, thầy Vĩnh Ba có bài “Năm Sửu nói chuyện Trâu” đăng ở tạp chí Kiến thức Ngày nay rất thú vị. Thầy còn đoạt một giải câu đối cho đền thờ Hùng Vương tại Thành phố Hồ Chí Minh trong một cuộc thi toàn quốc.
 Thầy cộng tác tương đối thường xuyên với một số báo, tạp chí từ địa phương đến TW, nhất là tập san Giáo dục Thừa Thiên Huế. Thầy đã có một tập thơ chữ Hán là “Trọng nhân thi tập” (chưa xuất bản)  và vài chục câu đối chữ Hán không thua kém gì các bậc danh nho xưa. Trên một vài cổng tam quan chùa Huế đã xuất hiện các câu đối của thầy. Hiện nay, thầy đang cố gắng viết cho xong một cuốn tiếu thuyết về giáo dục mà thầy rất tâm đắc, tích lũy những từng trải lịch lãm một đời đi dạy, đi chơi “lên bờ xuống ruộng” của mình.
         Chuyện trò với thầy Vĩnh Ba, nhiều người thích thú vì vốn liếng kiến thức đa dạng, phong phú của thầy. Không những học trò nhiều thế hệ thích mà các anh giáo lão làng đều thích một cái vẻ gì đó rất nghệ sí của Vĩnh Ba. Thầy còn sáng tác một số ca khúc cho học sinh như “Con đường đến trường” “Em là một đội viên”… Nói thế nào nhỉ, Vĩnh Ba quả là một thầy giáo đa tài.  Điều đáng quí nhất, khá nhiều người đồng ý với tôi, thầy giáo Vĩnh Ba bằng con đường sáng tác Văn tế, viết bài nghiên cứu văn học cổ trong chương trình văn học.v.v.., thầy đã lặng lẽ góp phần khiêm tốn trong dạy học Văn mà ít giáo viên dạy Ngữ văn trong nhà trường phổ thông có được..
            Con người gầy, xương xương, toát lên cái khắc khổ của của các ông tú tài ngày xưa nhưng ngoại hình đậm chất nghệ sĩ  như nét  của Văn Cao. Và nếu mang thêm kính thì có nét Trịnh công Sơn  Ánh mắt và nụ cười Vĩnh Ba  hay diễu cợt, giọng nói có vị khê chua nhưng khá “đậm đà bản sắc các Mệ”. Quen với Vĩnh Ba hơn 35 năm, có lần tôi làm một câu đối tặng bằng hữu tri âm:
Nâng chén trà Xuân, một thoáng mây bay, thương kỷ niệm.
  Nghiêng bầu rượu Tết, ngàn năm nước chảy, nhớ tri âm”.  ( NVK)
   Tôi đọc cho thầy Vĩnh Ba nghe. Thầy bảo để mình chuyển sang Hán Việt cho súc tích. Nói chơi thế nhưng hoá ra thầy  “mần” thật. Đây là câu đối chuyển dịch của thầy làm :
              “ Mỹ tửu tương khuynh, chích ảnh song tiền hoài cố hữu
    Xuân trà cưỡng ẩm, đơn thân mai hạ mộng tri âm.”
  Tôi nghĩ câu đối chữ Hán của thầy chuyển dịch còn hay hơn cả nguyên tác!
  Cùng thế hệ với Vĩnh Ba nhiều thầy giáo đều đã “rửa tay gác kiếm”. Thầy giáo Nguyễn PhúcVĩnh Ba còn ham vui nên sau khi quăng phấn lại vẫn giữ khư khư cây bút quý của mình. Xin mừng anh “hạ cánh an toàn” trên đường bay giáo dục đầy gian nan, khó nhọc mà nghĩa tình. Chắc chắn sau khi “ về quê”,  thầy sẽ để lại một khoảng trống nho nhỏ trong sân trường THCS Hương Chữ, trong lòng học sinh và đồng nghiệp quí thương…   
                                                                          Huế, mạnh thu  2012
                                                               Nguyễn viết An Hòa ( Ksor Kế)

THẦY GIÁO _MC




Mùa Xuân- mùa cưới, và MC  lại có dịp “chạy sô” vất vả..

Thầy tôi làm “nghề” giáo nhưng lại “nghiệp” MC-  một nghề đang khá thịnh hành trong đời sống xã hội hôm nay. Cũng bởi thầy ngoài phong cách sư phạm, còn có khả năng ăn nói, một chút máu vẫn nghệ - hát hò, một chút dạn dĩ “liều lĩnh” nên thầy đã làm MC cấp tỉnh, cấp thành, cấp huyện, cấp xã.. thậm chí là cấp làng suốt 36 năm nay. Thầy đã làm MC ở khách sạn, Nhà hàng, tư gia.. trong các lễ cưới hỏi, sinh nhật, hội hè, đình đám, tiệc tùng.v.v.. Bất kỳ một chương trinh sinh hoạt lớn nhỏ gì cần có MC là có thể thuê, nhờ, mượn thầy tôi. Và cứ như vậy,  suốt cả đời đi dạy, thầy suy nghĩ, soạn lời dẫn chương trình còn nhiều hơn… soạn giáo án !

  Thật ra ban đầu thầy tôi chỉ là người “Quản trò” (dẫn dắt các chương trình trò chơi tập thể, văn nghệ lửa Trại v.v..). Nhưng rồi có nhiều người khen rằng thầy ăn nói có duyên, lưu loát, dí dỏm, có chút hài hước, có khi “vụng chèo mà khéo chống”, nhất là thầy có chất giọng trầm ấm rất...ăn Micro, khá gợi cảm .v.v  nên thầy tin thế, cứ tin thế và từng bước hành nghề MC  nghiệp dư.

  Thầy kể, lần đầu tiên gồng mình làm MC là tháng 12 năm 1975, giúp cho người bạn là cán bộ UB Xã Hương Sơ, TP.Huế. Đám cưới mựơn hội trường chùa tổ chức, có chừng 150 người dự là Cán bộ UB Xã gia đình và bà con thân hữu. Mặc dù tiệc cưới chỉ có bánh kẹo, hạt dưa, hạt bí.. nhưng không khí thật tưng bừng nhộn nhịp. Trên nền fond màn đỏ sân khấu có 2 hàng chữ khá trang trọng:


  

HẠNH PHÚC NON SÔNG HẠNH PHÚC NHÀ

THẮM TÌNH NON NƯƠC

THẮM TÌNH TA       

Ở dưới có một câu “xanh rờn”, nhắc nhở đôi trẻ:

VUI DUYÊN MỚI KHÔNG QUÊN NHIỆM VỤ

   Sau phần nghi thức Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu tham dự ( y như các buổi Lễ, Hội nghị ) là giới thiệu cô dâu chú rể và đôi bên cha mẹ. Tiếp đến là vài lời phát biểu của đại diện gia đình, đại diện cơ quan. Trong lời phát biểu của gia đình, không thể thiếu câu rất chi là bài bản: “ Được sự nhất trí của hai cơ quan, sự cho phép của chính quyền địa phương, 2 gia đình chúng tôi tổ chức đám cưới nầy…”.

   Đám cưới thời bao cấp làm gì có rượu bia, hết sức “chay tịnh” nhưng phần văn nghệ thì lại rất rôm rả. Đại diện các cơ quan ban ngành đoàn thể gia đình hai họ đều có tiết mục hát hò vui vẻ. Toàn là hát nhạc “đỏ” (Nhạc “ vàng” còn bi cấm): “ Trường sơn Đông, Trường sơn Tây”, “ Chiếc gậy Trường sơn”, “ Năm anh em trên một chiếc xe tăng”.v.v... Ngoài những tiết mục đơn ca, Hội phụ nữ xã còn có những tốp ca hò hụi, hò khoan, vè, cải lương… tóa lọa lọa. Rất nhộn, rất vui nhưng tuyệt nhiên không có tiếng “1,2,3 zô zô ” ầm ĩ như bây giờ.

     Từ đó đến nay, dạy học ở Pleiku 15 năm, ở Huế 22 năm, thầy nhẩm tính đã có hơn 500 lần đám cưới thầy giúp làm MC cho thầy cô giáo đồng nghiệp, cho con cháu thầy cô, học trò, bà con láng giềng và “khách hàng”, trong đó, thầy được nhận phong bì đếm quá trên đốt ngón hai bàn tay ! Thầy cười đùa vui: “ Thay vì nhận phong bì, mình lại nhận được tình cảm, “lễ vật” hằng năm vào các dịp Tết, 20.11…Nếu cộng lại còn hơn cả phong bì”.

-  Thưa thầy, ngần ấy năm làm MC, có bao giờ thầy bị trục trặc hoặc “ tai nạn nghề nghiệp” không ạ?.

-  Có chứ. Ngựa chạy bốn chân còn bị vấp huống gì người nói năng. Có vài lần bị “khớp”, mất bình tĩnh, thiếu tự tin vì khách đông, nhiều khách “tai to mặt lớn” nên nói năng không chuẩn, không mạch lạc, không hấp dẫn…chẳng hạn giới thiệu sai họ, tên; nhầm tên cô dâu với tên mẹ chồng, tên chú rễ với cha vợ v.v.. Những lần như thế thì mình chỉ xứng đáng là “Xi em” mà thôi. Cũng có lần một gia đình yêu cầu phải giới thiệu đủ chức danh một số vị khách quí, mình không đồng ý và từ chối làm MC đám cưới đó luôn. ( ăn cưới chứ có phải đi dự hội nghị đâu!).

     - Thầy tâm đắc nhất là gì khi được mời làm MC ạ?

-  Rất nhiều. Đa số đám cưới đều có ít nhiều quen biết, thân thiện nên cách giới thiệu nhẹ nhàng, thân mật, chân tình. Mọi người đều tôn trọng mình là “thầy giáo làm MC”, nói năng cẩn trọng, tế nhị, lịch sự, có chút văn hoa mà không “hoa lá cành”, công thức, sáo rỗng…kiểu “ xin gởi lời chào trân trọng nhất, quan viên hai họ, đôi uyên ương bay giữa bầu trời tình yêu, đi tìm một nửa của nhau v.v..”. Điều vui nhất khi làm MC là mang lại sự vừa ý, hài lòng cho mọi người, và “mệt nhất” là sau đó có người đến “đặt hàng” nhờ làm cho đám cưới của con, cháu họ một , hai năm sau.!

  - Thầy tóc đã muối tiêu, vậy trước khi “gác kiếm”, thầy đã truyền nghề, giao “y bát” lại cho ai chưa ạ?

  - Rồi, đã chọn được một số rồi. Ở trường Nguyễn Huệ có thầy Võ Đăng Phát, trường Nguyễn Chí Thanh có thầy Trần Hữu Cửu, trường Đặng Huy Trứ có thầy Trần Hưng Ba, ở làng An Hòa có thầy Nguyễn Văn Mỹ v.v.. Trong số đó, có người gần như MC chuyên nghiệp, gặp mùa cưới, họ thu nhập rủng rỉnh gấp 3 lần lương tháng!

Vậy đó, thầy tôi, người thầy giáo-MC như thế đó. Bao nhiêu năm trong nghề dạy học là bấy nhiêu năm “tác nghiệp” MC. Khi thầy dạy hoặc dẫn chương trình lễ hội ở trường là mang niềm vui cho học trò, đồng nghiệp. Khi làm MC cho đám cưới là gieo niềm vui cho gia đình, bà con, xóm giềng, thân hữu.. Thầy luôn tâm đắc điều này: “ Mình làm MC chứ đừng làm… Xi Em”. 

   

     Huế, mùa cưới Xuân Nhâm Thìn- 2012

  Nguyễn Viết An Hòa