Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

CÓ THỂ NÀO QUÊN



           
          “ Có thể nào quên…”là chủ đề mà các em học sinh cũ của chúng tôi ở phố núi Pleiku thực hiện trong cuộc gặp gỡ mùa hè năm 2010 tại thành phố sương mù Pleiku sau gần 30 năm thầy trò xa cách.
            Những năm sau 1975, từng đợt sinh viên trường Đại học Sư phạm Huế lần lượt vào công tác tỉnh Gia Lai-Kon tum. Chừng 70% thầy cô giáo ở đây là từ Huế lên. Cả thành phố Pleiku chỉ có một trường cấp 3 ( đến năm 1981 mới có trường thứ 2) nằm ngay trung tâm, và một trường Cao đẳng sư phạm. Tất cả anh chị em thầy cô chúng tôi đang còn độc thân nên cùng ở khu tập thể ngay trong trường, cạnh bên cây mít vĩ đại- một năm sản xuất chừng 500 trái nuôi sống chúng tôi hơn 10 năm, đựơc khu tập thể phong danh hiệu chiến sĩ thi đua, anh hùng cứu đói!. Các em HS thương các thầy cô “thời tem phiếu” một tháng tiêu chuẩn 13kg lương thực mà có khi 50% độn ngô khoai sắn. (Thầy Vưu, thầy Phùng phải tập thể dục trên giường vì thiếu cái ăn, sợ ra gió bị… xỉu, cô Mai, cô Hòa chế biến 19 món mít…). cho nên sau giờ học, nhất là ngày chủ nhật hoặc lễ lạt, các em đến mời quý thầy cô về nhà mình thăm chơi hay về ăn kỵ, chạp v.v.. cho thêm no bụng ( nói tội trời, sau đó thầy cô giáo nào cũng nhớ ngày kỵ nhà HS hơn nhà mình…). Mối quan hệ thầy - trò thuở ấy trong học tập, sinh hoat., lao động, đời sống v.v.. thật gắn bó thân thương. Chúng tôi xem các em học sinh và các bậc phụ huynh như người thân trong nhà nên rất nặng tình nặng nghĩa. Thầy trò hơn nhau 5,7 tuổi nên không ít thầy giáo sau này đã “lọt vào mắt xanh, vòng tay học trò”, trở thành “con rể” của gia đình, và đã chọn Pleiku làm quê hương thứ hai… Còn chúng tôi, sau 10,15 năm công tác, đã “quy cố hương” gần 50 thầy cô. Và mỗi tháng một lần, nhóm “cựu GV Gia Lai-Kon Tum” tại Huế gặp nhau để “ôn cố tri tân”, nhắc lại kỷ niệm xưa, một thời “thầy giáo – tháo giày”, “nhà trường - nhường trà”, một thời“có thể nào quên”…
              Lên chủ đề như thế chắc các em HS cũ cũng đã thao thức trăn trở nhiều… Thế hệ các em thuộc niên khóa 1979-1982, bây giờ có em đã lên chức ông nội, bà ngoại. Có nhiều em học hành đỗ đạt thành tài, có một số em là quan chức nhà nước cỡ Chủ tịch, Bí thư thành phố Pleiku. Rất nhiều em là doanh nghiệp nổi tiếng, mà đặc biệt là em Đoàn Nguyên Đức ( gọi thân thương là bầu Đức), Chủ tịch.HĐQT tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai ít ai không biết.
            Các em lên kế hoạch chuẩn bị chương trình gặp gỡ này đã mấy tháng trước rất chu đáo. Cả khối lớp có gần 300 em khắp các miền đất nước nhận được giấy mời ( nhưng do bận việc nên cuối cùng chỉ có chừng 200 em về dự). Khách mời là quý thầy cô giáo đã từng dạy các em ở nhiều tỉnh về, trong đó Huế có 8/10 thầy cô chúng tôi. Phương tiện đi về là máy bay các em đặt vé trước cho thầy cô.
            Thật cảm động khi các em đón tiếp chúng tôi tại sân bay Pleiku lúc 8g30 tối mồng 10 tháng 7 năm 2010. Những vòng hoa tươi thắm quàng vào cổ thầy cô với những tiếng nói cười chào hỏi thân thương thật xúc động. “ Thầy ơi, đã 28 năm em mới đựợc gặp lại thầy.. Thầy ơi, thầy ốm hơn xưa… Thầy ơi, gia đình thầy khỏe chứ…”. Trong khi thầy Vưu, thầy Đông cười hớn hở thì thầy Lục (mới về hưu), cô Hòa, cô Mai không giấu được nước mắt. Sau “khúc dạo đầu” khá cảm động, chân tình, các em mời chúng tôi lên xe về khách sạn HA-GL 12 tầng của bầu Đức nghỉ ngơi, ngủ ngáy hết sức thoải mái…
          Buổi sáng hôm sau, đứng trên tầng cao của khách sạn, thầy Đông khoan khoái hít thở không khí trong lành và nhâm nhi bài hát Chút gì để nhớ để thương: “.. Em Pleiku, má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều, quanh năm mùa đông, nên tóc em mướt, nên má em ướt…”, không ai bảo ai, chúng tôi cùng hòa giọng rất sảng khoái đê mê.. Thành phố Pleiku đã thay da đổi thịt nhiều. Không còn “đi 5 phút” mà chắc phải 5giờ mới “trở về chỗ cũ”. Đang ôn lại những chuyện xưa, những con đường xưa, mơ màng tìm lại dấu chân xưa thì học trò lên mời quý thầy cô vào hội trường dự buổi họp mặt chính thức.
           Lại cảm động nối tiếp cảm động… Biết bao gương mặt học trò cũ bây giờ không thể nhớ rõ, thấy quen quen mà nghĩ mãi không ra tên…(Trí nhớ đã phản bội thầy. Tuổi tác đã phụ lòng thầy em ơi. Hay tha lỗi cho thầy.) Còn các em thì như sống lại tuổi 17,18 ngày xưa, cầm tay thầy lắc lắc:“ Thầy ơi, em là Mỹ Dung mà thầy đã cho 10 con zêrô đây, hề hề…”, “ Thầy ơi, em là Cơ, thầy gọi là Xì Cơ vì khi nào đi lao động thầy cũng bảo em mang bộ bài đi theo”, “ Thầy ơi, em thành thật xin lỗi thầy sau 3o năm. Ngày ấy vì thầy khắt khe quá, đuổi học em một tuần vì em hay bỏ học, rủ rê bạn đi uống cà phê, và chúng em suýt chận đánh thầy ở dốc Trà Bá..” Ôi, bao kỷ niệm chìm sâu trong ký ức giờ xôn xao trở về trong giây phút nầy.
            Trong lời khai mạc, em Đặng thị Mỹ Dung, trưởng ban tổ chức, cảm xúc rưng rưng khi nói lên ước mơ của các em đã thành hiện thực hôm nay: Đựợc gặp lại quý thầy cô sau ngần ấy năm, được tìm lại những “mong ước kỷ niệm xưa”, “ được sống lại tuổi học trò, làm lại học trò nũng nịu hay ngỗ nghịch với thầy cô như xưa…Đã ngót nghét 50 tuổi rồi nhưng chúng em vẫn còn bé bỏng trước thầy cô…Em Đoàn Nguyên Đức “tiếng tăm lẫy lừng” cũng khá xúc động khi nhớ về thầy cô trường lớp, bạn bè…Em cho rằng có được sự nghiệp như hôm nay một phần là nhờ học tập  kiến thức kỹ năng cơ bản mà  quý thầy cô truyền dạy ở trường cấp 3 Pleiku. Tiếng tăm tập đoàn HA-GL bao nhiêu em càng tự hào điều đó bấy nhiêu.. Tôi cũng xúc động thật sự khi được thay mặt quý thầy cô ở Huế phát biểu đôi lời: “… Tôi trở về đứng trước sân trường. Tìm lại một thời dĩ vãng. Năm tháng qua đi, học trò, bè bạn. Dẫu xa rồi, tất cả vẫn trinh nguyên…” Trong phần tiệc và văn nghệ, thầy trò chúng tôi chan hòa hát hò, nhảy múa. Thầy Đông ( trường Hương Thủy) đã ngâm bài thơ “Vườn xưa” nức nở, não nuột. Thầy Vưu ( trường Quốc Học) đã ca trù bài “Hồng hồng tuyết tuyết” dí dỏm tài hoa. Còn tôi thì ngậm ngùi với bài “ Lên núi, Xuống núi”.  
             Năm ngày họp mặt, tâm tình, vui chơi với các em học trò cũ và thăm viếng gia đình phụ huynh các em thật nhiều thú vị. Ngày nào các em cũng đưa đón thầy cô đi thăm chơi nhiều nơi như lên Kon Tum, đến Học viện bóng đá HA-Asenal, về trường cấp 3 Pleiku  thăm lại cây mít “ anh hùng cứu đói” năm xưa… Tiếc thay nó đã “qua đời” cách đây mấy năm. Tám anh em chúng tôi vô cùng xót đau, thầy Lục, thầy Cường, cô Hòa, Mai… lại rơi lệ.
          Sáng chia tay với các em thật thắm thiết luyến lưu và đặc biệt ấn tượng. Các em trong Ban tổ chức đưa chúng tôi ra sân bay. Sau khi tặng hoa và nói lời cám ơn các em, chúng tôi đã lên chiếc máy bay chuyên cơ H.344 của em Đoàn Nguyên Đức có nhã ý  mời. Chiếc máy bay 7 triệu USD nho nhỏ xinh xinh (vừa vặn 8 người chúng tôi và phi hành đoàn 2 người) do Anh hùng không quân Nguyễn Thành Trung đưa chúng tôi về tận sân bay Phú Bài chỉ 45 phút bay. Bay nhanh và êm đến độ chúng tôi không kịp mở bì thư em Đức tặng.
          Một tuần sau, chúng tôi lại nhận được 8 đĩa DVD mà các em đã quay từ khi đón tiếp cho đến khi chiếc H.344 bay liệng trên bầu trời thành phố Pleiku với dòng chữ: “ MÃI MÃI CHÚNG EM VẪN LÀ HỌC SINH BÉ BỎNG CỦA THẦY CÔ…CÓ THỂ NÀO QUÊN”   
                                                                        Huế, tháng 11.2010, sắp đến ngày Nhà giáo    
                                                                                        Nguyễn Viết Ksor An Hòa      
   
                  
                                                                                               

2 nhận xét: