Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

LỜI ÔNG NGOẠI cho cháu gái mới chào đời





Cháu yêu bà



Bé Nai _ Cháu ngoại " đích tôn ". 
Bé sinh lúc 20 giờ ngày mùng 9/6 năm Quý Tỵ ( 16/7/2013)


         Cháu ngoại đầu lòng ơi! Cháu có nghe ông nói gì không? Cháu là đứa cháu ngoại “đích tôn” của gia đình ta đấy.
        Trong mấy ngày qua, cả hai nhà nội và ngoại đều hồi hộp chờ đợi ngày cháu chào đời. Không chỉ riêng có mình ba mẹ cháu nôn nao, mà hết thảy mọi người từ bà cố, ông bà nội ngoại, chú, bác, cô, dì, cậu , mợ… đều náo nức mong chờ đến lúc được nghe cháu cất tiếng khóc oa..oa đầu tiên có mặt trên cõi đời này. Ngoài sự nôn nóng đó còn có một chút lo lắng vì mẹ cháu mang thai quá ngày vẫn chưa có dấu hiệu sinh. Nhà ta có hai bà O là nữ hộ sinh giàu kinh nghiệm, từng đỡ sinh cho cậu Bi và cả mẹ cháu nữa, nhưng vì tình trạng thai sản của mẹ cháu là “ngôi thai cao” nên cả nhà quyết định đưa  đến bệnh viện để sinh bằng phương pháp mổ cho an toàn cả mẹ và con.
         Cháu nè! Ngày Mẹ cháu vào viện để sinh có cả một đoàn hộ tống 17 người gồm có ông ngoại, các bà O và các chú bác, cô dì, dượng của cháu … Khoa phụ sản bệnh viện TW Huế nhốn nháo cả lên, trầm trồ chỉ trỏ đoàn người đưa mẹ cháu đi sinh. Từ buổi sáng, mẹ cháu đã nhập viện để bác sĩ theo dõi sức khỏe, làm các xét nghiệm, chuyền dịch và ấn định giờ mổ “bắt con”. Không có gì hồi hộp hơn là cả ngày chờ đợi giờ mẹ cháu được đưa vào phòng sinh. Cái cảm giác sắp được làm ông ngoại của ông vừa sung sướng, hạnh phúc vừa lo lắng, hồi hộp thật khó diễn tả.
         Ông lan man nhớ lại cái ngày bà ngoại mang thai mẹ cháu cách đây ba mươi năm. Sao mà có nhiều chuyện giống nhau đến thế! Ngày đó, trên chiếc xe đạp dàn, ông chở cậu Bi (Huy) và bà ngoại đang mang thai mẹ cháu, lúc đang đổ dốc thì ngã lộn nhào mỗi người một nơi, ôi sợ… Nhờ phước báu không ai bị chi cả, chỉ xây xát sơ sơ. Cách đây một tháng, ba cháu chở mẹ cháu đi khám thai, bị một thanh niên chạy ẩu tông phải, mẹ cháu té ngã ngửa, nhưng may cũng không sao cả, chỉ bị rách da chảy máu chút chút mà thôi. Thật cũng là nhờ ơn Trời Phật che chở cho mẹ con cháu. Những ngày dạo đó, bà ngoại mang thai mẹ cháu cũng quá tháng nhưng chưa sinh được. Nên khi sinh mẹ cháu, O Gái, O Huê đặt tên “móc nôi” là bé “Lì” - ở lì trong bụng. Bây giờ mẹ cháu bụng bầu cũng to như bà ngoại cháu ngày xưa vậy.
         Tiếng khóc chào đời của cháu cắt ngang dòng suy nghĩ của ông ngoại. Mọi người reo lên mừng vô cùng vì mẹ Na “vượt cạn” đã an lành, mẹ tròn con vuông. Cảm ơn Trời Phật đã phò hộ cho gia đình ta. Mọi người hồi hộp chờ xem mặt cháu. Mươi phút sau, cô y tá bồng cháu trong khăn quấn từ phòng sinh bước ra, kéo theo đoàn người “hộ tống” đi vào phòng trẻ sơ sinh. Cháu cân nặng 3.3 kg, má phúng phính giống y chang mẹ cháu ngày trước, trông thấy ghét lắm... Nước da cháu trắng hơn cả mẹ Na, tay chân thì lại dài ngoẵng giống ba Phước. Ai trông thấy cháu cũng trầm trồ, nhưng ba cháu không cho khen (!). Đúng là ba cháu yêu quý cháu biết là nhường nào… Nhìn cháu, ông lại nhớ đến mẹ cháu ngày mới sinh ra. Bà ngoại tuy chỉ khoảng 40 kg mà sinh bé “Lì” nặng đến 3,8 kg. Mẹ cháu nhìn “cũng thấy ghét” với đôi má phinh phính như cháu. Càng thương hơn vì ngày đó, những năm 80, ai cũng còn nghèo khó cơ cực, mẹ cháu không được sung sướng, đầy đủ như cháu bây giờ.
         Hôm nay, sau một ngày đêm “ở riêng” cháu đã được cho ra nằm cùng với mẹ. Cháu nhắm mắt ngủ thật ngoan, thỉnh thoảng lại khóc, cười trong mơ hay mở mắt nhìn ngắm mọi thứ xung quanh thật là ngộ nghĩnh. Bà cố đã ngoài trăm tuổi, mong có đứa “chắt nội” đầu tiên nên quý vô cùng. Bà không qua bệnh viện thăm cháu được, ở nhà sốt ruột cứ hỏi thăm tíu tít về mẹ con cháu... Bà ngoại cháu cũng vậy, ốm đau, tay chân run rẩy. Nghe tin mẹ cháu sinh được một cô công chúa đáng yêu nên nôn nóng vô cùng, uống thêm thuốc cho khỏe hơn, để khi vào bệnh viện thăm cháu, có thể bế bồng được cháu ngoại đầu tiên của mình. Cháu của ông đừng bao giờ quên điều này nhé!
         Bà con, bạn đồng nghiệp cùng cơ quan ba mẹ cháu đến thăm, mang thật nhiều hoa. Ai cũng tỏ ra quý mến mẹ Na của cháu. Có lẽ, mẹ cháu luôn đối xử tốt với tất cả mọi người nên ai cũng đều thương mến…
         Cháu ngoại của ông ơi! Cháu hãy ngủ ngoan bú khỏe chóng lớn, để ba mẹ cháu, các ông bà, các cô chú cậu dì.. hài lòng nhé. Ông yêu cháu vô cùng… Không có đủ ngôn từ nào để cho ông diễn tả cảm xúc đó, cháu à! Tuy vậy, ông vẫn cố ghi lại những dòng cảm xúc chân thật tận đáy lòng mình khi đón nhận sự ra đời của cháu. ( Ngày xưa ông đã từng ghi Nhật ký cho mẹ cháu lúc còn nằm trong bụng bà ngoại đấy). Có thể xem đây là món quà giản dị mà vô giá, là tình yêu thương vô bờ bến mà ông bà ngoại dành tặng riêng cho đứa cháu bé bỏng, thiên thần xinh đẹp của ông bà…
                Làng An Hòa, đêm hè tháng 7 năm 2013- Quý Tỵ.
                                Ông ngoại  Nguyễn Viết An Hòa


Bà Cố Bé Nai trong ngày đám hỏi của ba mẹ cháu.


Ông bà Ngoại, Ba Phước- Mẹ Na và ông bà nội của Bé Nai
( Ảnh chụp trong ngày đám hỏi)


Ông Ngoại và Ba Phước của Bé Nai ( Đám hỏi)


Ba Phước và Mẹ Na của Bé Nai trong ngày đám hỏi




                                                          



Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

DÂNG MẸ NHÂN MÙA VU LAN 2013




  Bông hồng cài áo


           
                                  " Con dù lớn vẫn là con của mẹ. 
                   Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con"
                                              ( Chế Lan Viên)
          Hai câu thơ trên của nhà thơ Chế Lan Viên đã nêu bật tấm lòng của người Mẹ. Tình thương yêu dành cho đứa con không có gì có thể so sánh, không chỉ lúc con còn nhỏ, đang bú mớm hay mới vừa chập chững biết đi. Ngay cả lúc con đã trưởng thành, lập gia thất, tóc đã pha màu, tình Mẹ và lòng Mẹ vẫn cứ như xưa. Lúc con còn nhỏ, mỗi lần ra khỏi nhà là Mẹ ngóng mẹ mong, Mẹ chờ Mẹ đợi, Mẹ lo âu thấp thỏm cho đến lúc con trở về nhà bình yên. Có bao giờ chúng ta ra ngoài mà nghĩ đến cảnh Mẹ mong ngóng ở nhà hay không ? Và có khi nào chúng ta không khỏi xúc động, xốn xang, cảm thấy có lỗi trước hình ảnh Mẹ già ra hàng hiên ngồi đợi ta về cho dù đó là lúc ta đi làm hay có công việc phải ra ngoài ?


Mẹ chờ con về

Mẹ ơi! Ôi Mẹ của con!
Chờ con thắt thẻo, héo hon gan vàng.
Lệ con tứa đẫm hai hàng,
Quỳ bên gối Mẹ muôn vàn xót xa ...
Mỗi khi có việc khỏi nhà
Mẹ tôi lại ngóng bỏ qua cơm chiều
Tóc con đã tựa muối tiêu
Mẹ còn lo lắng vạn điều cho con
Tình này ví tựa núi non,
Rộng như biển cả, suối nguồn bao la...

           Hình ảnh người Mẹ Việt Nam được ví như thân cò qua ca dao dân gian quả là không sai. Lúc  còn trẻ,  Mẹ đã vất vả bươn chãi, kiếm tiền để nuôi con đã đành. Ngày con trưởng thành, Mẹ cũng không chịu ngồi yên dưỡng già để con cái báo hiếu mà Mẹ luôn muốn làm một việc gì đó để giúp  đỡ con cái.  Được cưu mang, bảo bọc, chăm lo cho con đã ăn sâu vào xương máu, trở thành cuộc sống của Mẹ mất rồi ...

Năm nay Mẹ đã được 100 tuổi mà vẫn siêng năng quét nhà

Lưng còng, mẹ vẫn quét nhà
Ngồi không khó chịu, ấy là Mẹ tôi.
Da nhăn, má hóp, da mồi
Bởi do sương gió, đứng ngồi chợ trưa
Còn đâu cô gái ngày xưa
Đen huyền suối tóc, miệng ưa nói cười ?
Mẹ già, Mẹ vẫn giòn tươi
Bởi trong lòng Mẹ chín mười con yêu.
Quây quanh Mẹ sớm đến chiều
Chăm lo, yêu kính vạn điều hiếu ân.

           Mẹ già không còn của riêng ai. Có người nào trong chúng ta nhìn thấy một bà mẹ già mà không kính trọng, quý mến và xem như chính là Mẹ của mình. Một người bạn đồng hương Huế về thăm quê, nhân tiện thăm nhà tôi cũng đã ân cần, tận tuỵ với Mẹ như một đứa con trong gia đình. Anh làm cho tôi xúc động đã đành, ngay cả mẹ cũng thế. Mẹ vui vì có người đến thăm viếng, chuyện trò cùng mẹ. Tuổi già là vậy, đừng bao giờ để mẹ phải cô đơn. Mẹ không cần tiền của, Mẹ không cần quà cáp. Cái mẹ cần chính là tình thương, sự quan tâm và việc có con cháu sớm hôm cận kề. Nếu được, nên chính tay chăm sóc cho Mẹ vì Mẹ già rất cần điều đó hơn bất cứ thứ gì khác.

Anh Hoa Sen Vàng đến thăm Mẹ  _ tháng 6/2013


           Mẹ ơi! Con thương Mẹ nhiều lắm, luôn nguyện cầu cho Mẹ sống thêm hai mươi năm nữa cùng con cháu. Trong cuộc đời của con, Mẹ là tình yêu lớn nhất, tài sản vô giá không có gì sánh bằng. Không bao giờ con quên những lời dạy của Mẹ. Lúc nào con cũng ghi khắc vào lòng lời ru của Mẹ đã in vào tiềm thức con từ thuở nằm nôi...
                                  " Ta đi trọn kiếp con người. 
                     Vẫn không đi hết mấy lời mẹ ru..." ( Nguyễn Duy).
                                              Mùa Vu Lan năm 2013
                                                Nguyễn Viết Kế 
                      
                                                                                                      

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

CẢM NIỆM ÂN SƯ



            Thầy Nguyễn Đăng Thi (Ở làng quen gọi là Thầy Bộ hương sư, hậu duệ đời thứ 13 của danh nhân Nguyễn Cư Trinh) là thầy giáo làng An Hòa, thành phố Huế, mở lớp tư thục dạy học cho con em các làng xã quanh vùng từ những năm 20 thế kỷ trước. Thầy mất năm 1998 thọ 90 tuổi. Hôm kia, ngày 3/7/2013, gia đình thầy trang trọng tổ chức ngày húy kỵ 15 năm thầy đi xa, tôi thay mặt các thế hệ học trò đọc bài "Cảm niệm ân sư".





CẢM NIỆM ÂN SƯ
             (Tưởng nhớ 15 năm Thầy NGUYỄN ĐĂNG THI qua đời 1998-2013)
           Thưa hương linh thầy kính yêu.
            Hỡi ôi!
            Hơn 90 tuổi xuân, thầy cỡi hạc vân du chốn bồng lai tiên cảnh.
            Gần 70 năm trời, thầy dạy dỗ bao học trò thành nghiệp nên danh.
            Nhớ thuở ngày xưa
            Thương bà con chân lấm tay bùn, đói nghèo, thất học
            Thương con em thiếu chữ, thầy mở trường tư thục An Cư
            Lớp lớp học trò An Hòa, Triều Tây, La Chữ, Đức Bưu,
            An Vân, Đốc Sơ, Dương Xuân, Phú Bình, Phú Thạnh…
            Kẻ mang tơi, người đội nón, đi chất đất, áo quần thụng thịnh
            Đến xin học với thầy, thầy vui vẻ, dang rộng cánh tay…

            Trong lớp học, thầy chọn anh to đầu làm Chánh Tổng
            Hằng ngày, giúp thầy cai quản lũ đàn em
            Đứa nào rắn mắt, cứng đầu, thầy cho vào “ngục”
            Em nào chăm chỉ, hiền ngoan, thầy gõ “mõ” khen.
            Roi, nước mắm dòi… dành cho thằng lười biếng
            Điểm tốt, xoa đầu… để tặng học trò ngoan.
            Câu châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn
            Chúng con thuộc nằm lòng, dù chưa ai hiểu hết.
            Xuân Thu nhị kỳ, gia đình chúng con đi Lễ, Tết
            Phẩm vật đơn sơ: bông, chuối, gạo, nếp, đậu, mè…
            Thương bà con nghèo, nụ cười thầy hoan hỷ
            Chúng con nhớ ơn thầy, ôi cao cả thầy ơi…
            Chưa bao giờ thầy bước đi thong thả
            Bởi đường đời còn vất vả gian nan.
            Trường của thầy, chỉ mình thầy trăn trở lo toan
            Cho hàng trăm đứa học trò bao thế hệ
            Lớp lớn của thầy đã thành ôn thành mệ
            Lớp nhỏ của thầy cũng lắm Bác sĩ, Kỹ sư.
            Bất cứ nơi đâu, cũng nhớ trường tiểu học An Cư
            Có một người thầy, một người cha nhân hậu
            Chúng con lớn lên từ những ngày thơ ấu
            Được học với thầy từ những chữ ê. a…
            Được thầy khen, được thầy mắng, được thầy la
            Được thầy quất, được thầy xoa, được thầy “gõ mõ”.
            Tất cả, đọng trong câu chữ
           “Nhất tự vi sư…”.
            Thế mà hôm nay
            Thầy vội vã giã từ
            Dù biết rằng tuổi 90 đã là thượng thọ
            Dẫu biết rằng đời là bể khổ
            Dẫu biết rằng “sinh ký, tử quy”
            Nhưng thầy ơi, trong cảnh biệt ly.
            Làm sao ngăn được, những tiếng khóc nức nở
            Những tình cảm của người thân yêu đau xót
            Kìa, những anh chị học trò mái đầu đã bạc.
            Những tóc muối tiêu, còn thèm nghe tiếng của thầy.
            Vẫn còn thấy thầy như đang ở đâu đây
            Vẫn còn thấy thầy trong bộ bà ba trắng
            Ôi thôi thôi!
            Trường tư thục An Cư nay đã đi vào dĩ vãng
            Hình bóng thầy vẫn còn mãi với chúng con
            Cuộc đời thầy thanh bạch chẳng vàng son
            Tỏa ánh sáng trên đường chúng con đi tới
            “Sống khôn thác thiêng”, xin hương linh thầy chứng giám
            Tấm lòng chúng con, những học trò nhỏ của thầy
            Tất cả chúng con xin kính lạy thầy
            Nguyện cầu hương linh thầy vãng sanh lạc quốc.

                                                        Làng An Hòa, Mùa hạ 2013
                                                                   TM. Học trò cũ
                                                       NGUYỄN VIẾT KẾ chắp bút


TÓM TẮT TIỂU SỬ
ÔNG NGUYỄN ĐĂNG THI (1908 – 1998)
            Ông Nguyễn Đăng Thi (Bộ Thi) sanh ngày 09/07/1908 Mậu Dần tại lang An Hòa, xã Hương Sơ ngoại thàn Hhuế trong một dòng tộc có truyền thống hiếu học, nho phong đã thể hiện trong ngạn ngữ đương thời: “Học Đồng Di thi An Hòa”, hậu duệ của ngài Nguyễn Đăng Nghị (tức Nguyễn Cư Trinh – danh nhân của tỉnh Thừa Thiên Huế).
            Thiếu thời học chữ Nho sau đó tiếp tục học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1930 thi đỗ bằng tiểu học Pháp Việt.
            Ông không theo đường quan trường như các bậc tiền bối vì phải phục vụ song thân tuổi già.
            Kết duyên với bà Lê Thị Cam, sinh hạ được 5 trai và 2 gái.
            Nhận thấy con em quanh vùng thất học nên đã mở trường dạy học tư và nghiên cứu Kinh Dịch sau đó được nhân dân tin yêu và chính quyền đương thời tín nhiệm bầu làm chức Hương Bộ trông coi trích lục địa bộ, khai sanh, khai tử, giá thú. Đến ngày 23/08/1945 được bầu làm Chủ tịch Cách mạng lâm thời làng An Hòa, tổ chức quyên góp tuần lễ vàng, hũ gạo cứu quốc được nhân dân tin yêu và tán thưởng.
            Tham gia công việc của chính quền bên cạnh đó vẫn tiếp tục công việc dạy học. Đến năm 1956 Sở Học Chánh Thừa Thiên xác nhận và cấp khuôn dấu lấy tên “TRƯỜNG TƯ THỤC AN CƯ” được Cấp Bộ khen thưởng “Có tính cách giáo dục và văn hóa”. Các thế hệ học trò của ông nay đã tiến thân, đỗ đạt, thành danh. Đồng thời ông cũng đem sở trường Kinh Dịch của mình cống hiến giúp đỡ bà con quanh vùng như xem niên vận, sao hạn, cất nhà, chôn cất, cưới gả,…

            Mùa Hạ năm Mậu Dần (1998) mặc dù con cháu nội ngoại, các y bác sĩ tận tình chăm sóc song vì tuổi già sức yếu nên đã từ trần. Hưởng thọ 91 tuổi trong niềm thương tiếc vô vàn của đàn con cháu, của hàng trăm học trò và bà con xóm giềng.