Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

NGƯỜI THẦY GIÁO VIẾT VĂN TẾ







                (Viết về thân hữu - thầy giáo Nguyễn Phúc Vĩnh Ba)  


          Văn tế là một thể loại văn học cổ, “ một loại văn gắn với phong tục tang lễ chủ yếu nhằm bày tỏ sự thương tiếc của tác giả và người thân đối với người đã mất”( Tự điển thuật ngữ văn học-NXB GD). Trong lịch sử văn học VN có nhiều bài văn tế nổi tiếng như: “ Văn tế Trương Quỳnh Như” ( Phạm Thái), “ Văn tế thập loại chúng sinh”( Nguyễn Du), “ Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” ( Nguyễn Đình Chiểu), “ Văn tế Phan Chu Trinh” (Phan Bội châu) v.v.. Về mặt “ kỹ thuật”, viết được một bài văn tế không phải dễ dàng, vì đòi hỏi quá nhiều dụng công “ niêm, luật, vần, đối”. Cho nên ít ai dám “dấn thân” vào con đường sáng tác Văn tế.   
          Thế mà, ở những năm đầu thế kỷ 21 này, tại làng An Hòa, thành phố Huế, ẩn dưới lũy tre xanh vắng vẻ, thể Văn tế lại như được “tái sinh” từ một thầy giáo mới về hưu- Nguyễn Phúc Vĩnh Ba. Tuy chỉ “xớ rớ”, không ngồi được chiếu trên với các bậc tiền nhân tiếng tăm lừng lẫy, nhưng tài sáng tác văn tế của thầy VB cũng thật là điều đáng ngạc nhiên, khiến cho chúng ta kiêng nể.
            Đọc mấy câu mở đầu một bài Văn tế:
          “ Than ôi!
Tim óc bùi ngùi,
Ruột gan tê tái.
Hơn thế kỷ trôi qua trước mắt, anh linh thiên cổ còn đây,
Mấy bi thương chất kín trong lòng, hương hoả tứ thời ngát mãi…
      (Văn tế Âm hồn Thất thủ Kinh đô- 2002, NP.Vĩnh Ba ) hỏi ai không  ngậm ngùi  nhớ đến không khí thất thủ kinh đô hơn trăm năm về trước?
             Hoặc đọc đoạn:
          “ Nhớ tiên sinh xưa,
U oa khóc, tấm dư đồ đà ba mảnh bốn nơi,
Chập chững đi, đoàn dân tộc thì chín người mười tật.
Buổi li loạn can qua trùm sông núi, người chém giặc bắn tây, kẻ trừ gian giết đạo, mối hận thù ngun ngút mấy tầng mây,
Thời nhiễu nhương quan cách ép lương dân, đứa ăn gan hút máu, thằng bóp cổ đè đầu, nỗi bần khổ âm thầm bao tấm cật…
  (Văn tế Nam Phong chủ bút Phạm Thượng Chi tiên sinh – 2005, NP.Vinh Ba) kẻ thức giả nhớ tới Phạm Quỳnh tiên sinh với câu nói nổi tiếng: “…tiếng Việt còn thì nước ta còn”.
  Không những rất nhạy cảm với những đề tài “ hoài cổ” mà những đề tài mang tính thời sự nóng hổi cũng được Vĩnh Ba cảm nhận khá sâu sắc. Không những nắm vững kỹ thuật viết văn tế cổ mà thầy còn sử dụng một cách linh hoạt ngôn ngữ bình dân lẫn bác học. Âm điệu chung của các bài văn tế là bi thương, nhưng không bi lụy. Sắc thái biểu cảm đôi lúc có chút chính luận bi tráng, hay trào phúng nhẹ nhàng, hay pha chút châm biếm cay cay…
 Một điều đáng nói thêm là thầy giáo Nguyễn phúc Vĩnh Ba từng dạy môn Anh văn chứ không phải Ngữ văn! Đây có thể là điều khá bất ngờ với nhiều người.

* * *
            Năm 1971, tốt nghiệp ĐHSP và ĐH Văn khoa Sài gòn Ban Việt Hán, thầy NP Vĩnh Ba khá sành sỏi chữ Hán là chuyện bình thường. Cho nên dạy văn học cổ là “ nghề của chàng”. Học sinh trông thấy thầy “múa” chữ Hán trên bảng là lé mắt. Thầy đã viết nhiều bài báo về các nhà thơ cổ điển của Trung Quốc và nước ta như Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… qua các bài thơ chữ Hán trong và ngoài chương trình học (Từ ô dạ đề, Mao ốc vị thu phong sở phá ca, Tăng thử, Thu hứng…). Ngoài ra, còn viết các bài chuyên khảo như “ Phạm Quỳnh, nhà văn hóa”, “Xuân tha hương qua thơ chữ Hán của Nguyễn Du”, “ Thử tìm cách tiếp cận ‘Ngôn hoài’ của Không Lộ thiền sư”… khá có giá trị. Phải nói thầy không dạy văn nhưng quan tâm đến văn học cổ, văn học chữ Hán còn nhiều hơn một số giáo viên Ngữ Văn khác.
            Kể từ ngày ra trường, thầy đã dạy qua nhiều trường: từ Trung học cấp 2, 3 Phước Long ( trước 1975), Trung học cấp 2, 3 Hương Trà .. cho đến nay là trường THCS Hương Chữ, thầy Vĩnh Ba cũng dạy đủ các môn Ngữ Văn, Pháp Văn, Công Dân, Toán… và về sau phần lớn là môn Anh Văn với một bằng Đại học tại chức về Giáo Khoa Anh Văn.
             Thầy tâm sự với tôi khi được hỏi về khả năng viết nghiên cứu, văn tế, thơ chữ Hán, câu đối (toàn là thứ đồ cổ cả) như sau: “Tất cả cái gì mình làm được là nhờ tự học. Trường đại học chỉ dạy sinh viên kiến thức cơ bản và phương pháp chuyên ngành thôi. Tốt nghiệp xong mà không học nữa là hỏng tất, chẳng đủ thiếu gì hết. Mình yêu bản sắc của dân tộc mình nên cố gắng gìn giữ được chút nào hay chút nấy. Các thể văn cổ cũng như từ Hán Việt là một nét đẹp của văn học ta.”.Vì thế, thầy đã viết văn tế khá sung sức và thành thạo, được anh em  mến mộ với các bài như: “Văn tế nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ”, “ Văn tế thất thủ kinh đô”, “ Văn tế thác Liên Khàng, và thác Gougah, Đà Lạt” “Văn bia nhà lao Guyane”, “ Văn tế Khóc vợ” v.v..… Dịp Tết Kỷ Sửu vừa rồi, thầy Vĩnh Ba có bài “Năm Sửu nói chuyện Trâu” đăng ở tạp chí Kiến thức Ngày nay rất thú vị. Thầy còn đoạt một giải câu đối cho đền thờ Hùng Vương tại Thành phố Hồ Chí Minh trong một cuộc thi toàn quốc.
 Thầy cộng tác tương đối thường xuyên với một số báo, tạp chí từ địa phương đến TW, nhất là tập san Giáo dục Thừa Thiên Huế. Thầy đã có một tập thơ chữ Hán là “Trọng nhân thi tập” (chưa xuất bản)  và vài chục câu đối chữ Hán không thua kém gì các bậc danh nho xưa. Trên một vài cổng tam quan chùa Huế đã xuất hiện các câu đối của thầy. Hiện nay, thầy đang cố gắng viết cho xong một cuốn tiếu thuyết về giáo dục mà thầy rất tâm đắc, tích lũy những từng trải lịch lãm một đời đi dạy, đi chơi “lên bờ xuống ruộng” của mình.
         Chuyện trò với thầy Vĩnh Ba, nhiều người thích thú vì vốn liếng kiến thức đa dạng, phong phú của thầy. Không những học trò nhiều thế hệ thích mà các anh giáo lão làng đều thích một cái vẻ gì đó rất nghệ sí của Vĩnh Ba. Thầy còn sáng tác một số ca khúc cho học sinh như “Con đường đến trường” “Em là một đội viên”… Nói thế nào nhỉ, Vĩnh Ba quả là một thầy giáo đa tài.  Điều đáng quí nhất, khá nhiều người đồng ý với tôi, thầy giáo Vĩnh Ba bằng con đường sáng tác Văn tế, viết bài nghiên cứu văn học cổ trong chương trình văn học.v.v.., thầy đã lặng lẽ góp phần khiêm tốn trong dạy học Văn mà ít giáo viên dạy Ngữ văn trong nhà trường phổ thông có được..
            Con người gầy, xương xương, toát lên cái khắc khổ của của các ông tú tài ngày xưa nhưng ngoại hình đậm chất nghệ sĩ  như nét  của Văn Cao. Và nếu mang thêm kính thì có nét Trịnh công Sơn  Ánh mắt và nụ cười Vĩnh Ba  hay diễu cợt, giọng nói có vị khê chua nhưng khá “đậm đà bản sắc các Mệ”. Quen với Vĩnh Ba hơn 35 năm, có lần tôi làm một câu đối tặng bằng hữu tri âm:
Nâng chén trà Xuân, một thoáng mây bay, thương kỷ niệm.
  Nghiêng bầu rượu Tết, ngàn năm nước chảy, nhớ tri âm”.  ( NVK)
   Tôi đọc cho thầy Vĩnh Ba nghe. Thầy bảo để mình chuyển sang Hán Việt cho súc tích. Nói chơi thế nhưng hoá ra thầy  “mần” thật. Đây là câu đối chuyển dịch của thầy làm :
              “ Mỹ tửu tương khuynh, chích ảnh song tiền hoài cố hữu
    Xuân trà cưỡng ẩm, đơn thân mai hạ mộng tri âm.”
  Tôi nghĩ câu đối chữ Hán của thầy chuyển dịch còn hay hơn cả nguyên tác!
  Cùng thế hệ với Vĩnh Ba nhiều thầy giáo đều đã “rửa tay gác kiếm”. Thầy giáo Nguyễn PhúcVĩnh Ba còn ham vui nên sau khi quăng phấn lại vẫn giữ khư khư cây bút quý của mình. Xin mừng anh “hạ cánh an toàn” trên đường bay giáo dục đầy gian nan, khó nhọc mà nghĩa tình. Chắc chắn sau khi “ về quê”,  thầy sẽ để lại một khoảng trống nho nhỏ trong sân trường THCS Hương Chữ, trong lòng học sinh và đồng nghiệp quí thương…   
                                                                          Huế, mạnh thu  2012
                                                               Nguyễn viết An Hòa ( Ksor Kế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét