Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

CẢM NIỆM ÂN SƯ



            Thầy Nguyễn Đăng Thi (Ở làng quen gọi là Thầy Bộ hương sư, hậu duệ đời thứ 13 của danh nhân Nguyễn Cư Trinh) là thầy giáo làng An Hòa, thành phố Huế, mở lớp tư thục dạy học cho con em các làng xã quanh vùng từ những năm 20 thế kỷ trước. Thầy mất năm 1998 thọ 90 tuổi. Hôm kia, ngày 3/7/2013, gia đình thầy trang trọng tổ chức ngày húy kỵ 15 năm thầy đi xa, tôi thay mặt các thế hệ học trò đọc bài "Cảm niệm ân sư".





CẢM NIỆM ÂN SƯ
             (Tưởng nhớ 15 năm Thầy NGUYỄN ĐĂNG THI qua đời 1998-2013)
           Thưa hương linh thầy kính yêu.
            Hỡi ôi!
            Hơn 90 tuổi xuân, thầy cỡi hạc vân du chốn bồng lai tiên cảnh.
            Gần 70 năm trời, thầy dạy dỗ bao học trò thành nghiệp nên danh.
            Nhớ thuở ngày xưa
            Thương bà con chân lấm tay bùn, đói nghèo, thất học
            Thương con em thiếu chữ, thầy mở trường tư thục An Cư
            Lớp lớp học trò An Hòa, Triều Tây, La Chữ, Đức Bưu,
            An Vân, Đốc Sơ, Dương Xuân, Phú Bình, Phú Thạnh…
            Kẻ mang tơi, người đội nón, đi chất đất, áo quần thụng thịnh
            Đến xin học với thầy, thầy vui vẻ, dang rộng cánh tay…

            Trong lớp học, thầy chọn anh to đầu làm Chánh Tổng
            Hằng ngày, giúp thầy cai quản lũ đàn em
            Đứa nào rắn mắt, cứng đầu, thầy cho vào “ngục”
            Em nào chăm chỉ, hiền ngoan, thầy gõ “mõ” khen.
            Roi, nước mắm dòi… dành cho thằng lười biếng
            Điểm tốt, xoa đầu… để tặng học trò ngoan.
            Câu châm ngôn “Tiên học lễ, hậu học văn
            Chúng con thuộc nằm lòng, dù chưa ai hiểu hết.
            Xuân Thu nhị kỳ, gia đình chúng con đi Lễ, Tết
            Phẩm vật đơn sơ: bông, chuối, gạo, nếp, đậu, mè…
            Thương bà con nghèo, nụ cười thầy hoan hỷ
            Chúng con nhớ ơn thầy, ôi cao cả thầy ơi…
            Chưa bao giờ thầy bước đi thong thả
            Bởi đường đời còn vất vả gian nan.
            Trường của thầy, chỉ mình thầy trăn trở lo toan
            Cho hàng trăm đứa học trò bao thế hệ
            Lớp lớn của thầy đã thành ôn thành mệ
            Lớp nhỏ của thầy cũng lắm Bác sĩ, Kỹ sư.
            Bất cứ nơi đâu, cũng nhớ trường tiểu học An Cư
            Có một người thầy, một người cha nhân hậu
            Chúng con lớn lên từ những ngày thơ ấu
            Được học với thầy từ những chữ ê. a…
            Được thầy khen, được thầy mắng, được thầy la
            Được thầy quất, được thầy xoa, được thầy “gõ mõ”.
            Tất cả, đọng trong câu chữ
           “Nhất tự vi sư…”.
            Thế mà hôm nay
            Thầy vội vã giã từ
            Dù biết rằng tuổi 90 đã là thượng thọ
            Dẫu biết rằng đời là bể khổ
            Dẫu biết rằng “sinh ký, tử quy”
            Nhưng thầy ơi, trong cảnh biệt ly.
            Làm sao ngăn được, những tiếng khóc nức nở
            Những tình cảm của người thân yêu đau xót
            Kìa, những anh chị học trò mái đầu đã bạc.
            Những tóc muối tiêu, còn thèm nghe tiếng của thầy.
            Vẫn còn thấy thầy như đang ở đâu đây
            Vẫn còn thấy thầy trong bộ bà ba trắng
            Ôi thôi thôi!
            Trường tư thục An Cư nay đã đi vào dĩ vãng
            Hình bóng thầy vẫn còn mãi với chúng con
            Cuộc đời thầy thanh bạch chẳng vàng son
            Tỏa ánh sáng trên đường chúng con đi tới
            “Sống khôn thác thiêng”, xin hương linh thầy chứng giám
            Tấm lòng chúng con, những học trò nhỏ của thầy
            Tất cả chúng con xin kính lạy thầy
            Nguyện cầu hương linh thầy vãng sanh lạc quốc.

                                                        Làng An Hòa, Mùa hạ 2013
                                                                   TM. Học trò cũ
                                                       NGUYỄN VIẾT KẾ chắp bút


TÓM TẮT TIỂU SỬ
ÔNG NGUYỄN ĐĂNG THI (1908 – 1998)
            Ông Nguyễn Đăng Thi (Bộ Thi) sanh ngày 09/07/1908 Mậu Dần tại lang An Hòa, xã Hương Sơ ngoại thàn Hhuế trong một dòng tộc có truyền thống hiếu học, nho phong đã thể hiện trong ngạn ngữ đương thời: “Học Đồng Di thi An Hòa”, hậu duệ của ngài Nguyễn Đăng Nghị (tức Nguyễn Cư Trinh – danh nhân của tỉnh Thừa Thiên Huế).
            Thiếu thời học chữ Nho sau đó tiếp tục học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1930 thi đỗ bằng tiểu học Pháp Việt.
            Ông không theo đường quan trường như các bậc tiền bối vì phải phục vụ song thân tuổi già.
            Kết duyên với bà Lê Thị Cam, sinh hạ được 5 trai và 2 gái.
            Nhận thấy con em quanh vùng thất học nên đã mở trường dạy học tư và nghiên cứu Kinh Dịch sau đó được nhân dân tin yêu và chính quyền đương thời tín nhiệm bầu làm chức Hương Bộ trông coi trích lục địa bộ, khai sanh, khai tử, giá thú. Đến ngày 23/08/1945 được bầu làm Chủ tịch Cách mạng lâm thời làng An Hòa, tổ chức quyên góp tuần lễ vàng, hũ gạo cứu quốc được nhân dân tin yêu và tán thưởng.
            Tham gia công việc của chính quền bên cạnh đó vẫn tiếp tục công việc dạy học. Đến năm 1956 Sở Học Chánh Thừa Thiên xác nhận và cấp khuôn dấu lấy tên “TRƯỜNG TƯ THỤC AN CƯ” được Cấp Bộ khen thưởng “Có tính cách giáo dục và văn hóa”. Các thế hệ học trò của ông nay đã tiến thân, đỗ đạt, thành danh. Đồng thời ông cũng đem sở trường Kinh Dịch của mình cống hiến giúp đỡ bà con quanh vùng như xem niên vận, sao hạn, cất nhà, chôn cất, cưới gả,…

            Mùa Hạ năm Mậu Dần (1998) mặc dù con cháu nội ngoại, các y bác sĩ tận tình chăm sóc song vì tuổi già sức yếu nên đã từ trần. Hưởng thọ 91 tuổi trong niềm thương tiếc vô vàn của đàn con cháu, của hàng trăm học trò và bà con xóm giềng.

7 nhận xét:


  1. Bài điếu văn rất cảm động! Xin chia sẻ với bác Kế nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng. Thầy có thể xem là "Ông Đồ" thời cận đại Thầy Đồ ạ. Không biết là bác VB có học với thầy không. Cám ơn PĐ nhé.

      Xóa
  2. Mình có một số bài văn điếu khác, sẽ lần lượt mời Thầy Đồ góp ý.

    Trả lờiXóa
  3. Kính chúc các thầy giáo, cô giáo và các bạn có kỳ nghỉ hè vui vẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn lời chúc của Vũ Nam. Chỉ có thầy giáo "hươu" mới khỏe, vui vẻ, còn quý thầy cô "nai' chắc còn vất vả VN ạ.

      Xóa
  4. Những người Thầy ngày xưa vẫn đáng kính muôn đời! Bài văn điếu cảm động quá, đọc cứ như đang ngồi trước linh cữu Thầy mình. VB có lẽ không học Thầy vì VB trước đây ở Thành Nội.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Trương thật đồng cảm. Ngày xưa em hay bị thầy quất vào mu bàn tay để rèn nét chữ và bắt quỳ "xơ mít" ( cái đợn đầy gai khô), em vẫn nhớ đời bác ạ. "Thương cho roi cho vọt" mà! Thời bây giờ có nơi học trò lại "quất" thầy bác hí. Chao ơi.!

      Xóa